Cơ hội cho người nghiện ma túy làm lại cuộc đời

Bệnh nhân và thân nhân đến Trung tâm để được tư vấn và điều trị.

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết: “Tháng 8/2014, Sở Y tế đã phê duyệt kế hoạch triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, giai đoạn 2014 – 2016. Sau thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự, công tác tổ chức, đầu tháng 10, cơ sở đạt chuẩn quy định và đi vào hoạt động. Bước đầu đã tiếp nhận trên 20 hồ sơ đăng ký điều trị và đơn vị đang tiếp tục phối hợp ngành Công an, các đoàn thể tuyên truyền, vận động người nghiện tham gia điều trị”.

Theo đó, để cơ sở hoạt động hiệu quả, góp phần giúp người nghiện dần làm quen với Methadone thay thế và dần bỏ hẳn ma túy, làm lại cuộc đời, Trung tâm đã phối hợp với Công an tỉnh, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, công an 17 xã, phường thống kê số lượng người nghiện. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các ngành, đoàn thể trong tỉnh, các trung tâm y tế huyện phối hợp tuyên truyền, vận động người nghiện tham gia điều trị. Chỉ tiêu năm 2016, Trung tâm sẽ điều trị cho 350 bệnh nhân, người bệnh sẽ được uống Methadone miễn phí, chỉ tốn các chi phí xét nghiệm cơ bản phục vụ cho điều trị và theo dõi điều trị (thu phí theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTT-BYT-BTC năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính).

Bệnh nhân phải duy trì đến cơ sở điều trị Methadone mỗi ngày để được kiểm tra sức khỏe và uống thuốc Methadone.

Theo ông Lê Thành Công, Trưởng khoa Truyền thông và Can thiệp (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh), người trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân nghiện: Trung bình mỗi ngày người nghiện phải chi khoản tiền khá lớn từ 1 – 1,5 triệu đồng/ngày để mua ma túy sử dụng. Đó cũng là nguyên nhân tài sản của gia đình người nghiện dần “đội nón ra đi”, chưa kể đến việc phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Đến với cơ sở điều trị Methadone hiện nay, bệnh nhân được cấp thuốc Methadone uống miễn phí mỗi ngày (thay thế ma túy) và bệnh nhân có thể lao động, làm việc bình thường. Quy trình điều trị sẽ chia làm 3 giai đoạn, ở giai đoạn khởi liều: Liều lượng trung bình là từ 20 – 25mg; sau 3 – 5 ngày sử dụng, bác sĩ điều trị sẽ khám và đối với những trường hợp bệnh nhân nghiện nặng thì bác sĩ sẽ quyết định tăng liều (thời gian trung bình của giai đoạn khởi liều là 3 tháng); sau đó, bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn duy trì, ổn định liều: Liều lượng trung bình là 50mg, cao nhất là 160mg.

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Nghĩnh, Trưởng khoa Giám sát kiêm hỗ trợ điều trị Methadone: “Nếu bệnh nhân tuân thủ tốt quy trình điều trị từ 12 tháng trở lên, thì có khả năng cai nghiện thành công, tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời. Đa số người nghiện đều bị mắc một số bệnh xã hội khác: Lao, viêm gan B, C, nhiễm HIV… Bên cạnh những lợi ích của Methadone đem lại, thì việc sử dụng thuốc cũng gây ra tác dụng phụ: Đổ mồ hôi, táo bón, khô miệng, nhức mỏi… Vì thế, khi đến với cơ sở, bệnh nhân sẽ được tư vấn nhằm giúp bệnh nhân xóa dần tâm lý tự ti, mặc cảm, tích cực hợp tác trong khám và điều trị”.

Điều trị tại cơ sở, đến nay, sức khỏe anh V. (Phường 5, TP. Cà Mau) đã tốt hơn. Anh V. cho biết: “Chơi với bạn bè, bị lôi kéo hút thử, rồi sa chân vào nghiện ngập không hay, trên 10 năm nay đã tốn biết bao tài sản, tiền bạc. Nay có cơ sở điều trị, được dùng thuốc miễn phí; vì gia đình với vợ và con nhỏ, lần này tôi quyết tâm tuân thủ, hợp tác trong quá trình điều trị, xem đây là cơ hội để làm lại cuộc đời”.

Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng cơ sở điều trị Methdone đã nhận được sự đồng tình, quan tâm của nhiều thân nhân, gia đình đối tượng. Chương trình đem lại những lợi ích to lớn: Tiết kiệm được chi phí điều trị; thân nhân và đối tượng sẽ có thời gian để tập trung vào công việc; thuận lợi hơn trong việc quản lý con em, hạn chế phát sinh tệ nạn xã hội, sự phân biệt, kỳ thị đối xử đối với người nghiện ma túy và giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS qua tiêm chích ma túy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *