Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười sống mãi trong lòng bộ đội Hải quân

Người đi sử sách còn ghi mãi

Chặng đường thành lập, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, có sự chỉ đạo, huấn thị và đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười. Cho đến bây giờ, trải qua 63 năm kể từ ngày thành lập, trong tâm khảm của những người giữ biển vẫn in đậm dấu ấn những lần Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm, huấn thị, động viên bộ đội Hải quân giữ gìn bờ cõi.

Lần đầu tiên, Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vào ngày 24/8/1955. Khi ấy, Quân chủng Hải quân mới thành lập 107 ngày tại Sông Cấm – Hải Phòng với tên gọi “Cục Phòng thủ bờ bể”. Lúc đó, ông giữ chức Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP. Hải Phòng. Trong chuyến thăm ấy, có Tổng Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng đoàn công tác đến dự lễ thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng tại Trường Huấn luyện bờ bể, bên bờ Sông Cấm, TP. Hải Phòng.

Tại đây, ông đã thăm nơi ăn ở, động viên cán bộ, giáo viên, chiến sĩ, công nhân viên Cục Phòng thủ bờ bể và cán bộ, thủy thủ hai thủy đội cố gắng phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo; đồng thời tổ chức đóng thuyền, lắp máy, hoàn thành kế hoạch hạ thủy 20 ca nô chiến đấu đầu tiên. Sau đó, ông cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt đội ngũ và dự cuộc thao diễn trên sông của hai thủy đội.   

Lần thứ hai, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm bộ đội Hải quân Vùng 5, đó là mùa Xuân năm 1991, khi đó, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Cũng cuối năm ấy, ông đến thăm cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 996, Hải đội 411, Vùng 4 Hải quân (Hải Phòng).

Tổng Bí thư Đỗ Mười, thăm và chúc tết Bộ Tư lệnh Hải quân ngày 19/1/1993. Ảnh: Tư liệu Hải quân.

Lần thứ ba, Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm bộ đội Hải quân vào ngày 19/1/1993. Tiếp xúc với cán bộ chiến sĩ, ông động viên, khen ngợi: “Nơi đầu sóng ngọn gió, thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực tự cường, vượt qua gian khổ, khó khăn, làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển, hải đảo, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc”.

Lần thứ tư, Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm những người lính “áo vằn cánh sóng” vào ngày 13/5/1995. Tại Sở Chỉ huy Quân chủng (38 Điện Biên Phủ, Hải Phòng), Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh – Tư lệnh Hải quân báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa và vùng kinh tế đặc quyền của Tổ quốc. Sau khi gặp gỡ, nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị ở khu vực Hải Phòng, ông khẳng định: “Quân chủng đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đảng và nhân dân rất tin tưởng giao sứ mệnh vẻ vang cho Hải quân làm lực lượng nòng cốt trong chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, hải đảo của Tổ quốc”.

Ngày 6/5/2005, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh tổ chức trọng thể lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 – 2005), nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi lẵng hoa chúc mừng.

Có thể nói, hiếm có một quân, binh chủng nào lại được Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm nhiều lần như Quân chủng Hải quân. Điều đó không những thể hiện tình cảm lòng tin yêu, sự quan tâm đặc biệt của ông đối với sự nghiệp xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam; mà còn đặt trọn niềm tin vào cán bộ, chiến sĩ – quân chủ lực, nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi lần thăm là mỗi sự quan tâm, động viên đặc biệt; sự chỉ đạo, huấn thị sâu sắc. Để rồi hôm nay, bộ đội Hải quân Việt Nam tiễn biệt ông về thế giới người hiền trong niềm tiếc thương cảm phục.

Tổng Bí thư Đỗ Mười chúc tết cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa qua vô tuyến điện tại Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân ngày 19/1/1993. Ảnh: Tư liệu Hải quân.

Quyết tâm giữ vững chủ quyền Tổ quốc

Ngày 7/10, ngày cuối trong hai ngày quốc tang. Ngày hơn 90 triệu người dân Việt Nam tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong niềm tiếc thương sâu sắc ấy, cán bộ, chiến sĩ Hải quân từ đất liền đến hải đảo xa xôi, từ Trường Sa đến Nhà giàn DK1 không thể nào quên hình ảnh vị lãnh đạo gần dân, thương bộ đội qua những lần ông đến thăm và huấn thị.

Chia sẻ từ Nhà giàn DK1/16, Trung tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng, ngậm ngùi nói qua điện thoại: “Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười để lại dấu ấn rất sâu sắc cho bộ đội Hải quân Việt Nam. Những gì ông căn dặn, đã, đang và sẽ được chúng tôi thực hiện. Tưởng nhớ ông, chúng tôi quyết tâm vững tay súng bảo vệ nhà giàn trong mọi tình huống”.

Từ Nhà giàn DK1/10 – Bãi cạn Cà Mau tỉnh Cà Mau, Trung tá Trương Văn Thủy – Chỉ huy trưởng, chia sẻ: “Nhà giàn chúng tôi treo cờ rủ để tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười lúc 6 giờ sáng ngày 6/10. Là thế thệ trẻ, chúng tôi chỉ biết ông qua sách vở, phim ảnh; song những công lao ông đóng góp, đức độ ông để lại; sự quyết đoán trong công cuộc đổi mới rất đáng khâm phục. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đi xa, nhưng ông sống mãi trong lòng người dân Việt Nam, sống mãi trong lòng bộ đội Hải quân Nhà giàn DK1”.

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu HQ 07 – một  trong 5 con tàu săn ngầm của Lữ đoàn 171 Hải quân, nói về công lao to lớn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Trong các đời Tổng Bí thư, Đỗ Mười là chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo có tâm với đất nước, có tầm nhìn sâu rộng trong tương lai. Với chủ quyền biên giới, lãnh thổ, ông là nhà chiến lược có định hướng. Ông vĩnh biệt trần gian, nhưng tư tưởng cách mạng, đức liêm chính, trí sáng tạo, tình yêu thương người dân vẫn sống mãi. Ông sống mãi trong lòng bộ đội Hải quân. Vĩnh biệt Tổng Bí thư một đời vì dân vì nước”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *