Còn nhiều hồ sơ tồn đọng trên hệ thống một cửa điện tử

Theo kết quả thống kê từ dữ liệu hệ thống thông tin một cửa điện tử, từ đầu năm đến cuối tháng 4/2020, trên hệ thống có hơn 9.800 hồ sơ chưa kết thúc quy trình xử lý, gồm 8.950 hồ sơ còn trong hạn xử lý và hơn 900 hồ sơ chưa xử lý đã quá hạn.

Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải yêu cầu Sở Y tế; Sở Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện, TP. Cà Mau khẩn trương xem xét, giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, UBND các huyện, TP. Cà Mau và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu giải quyết hoặc đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết dứt điểm hồ sơ đang xử lý trễ hạn và các vấn đề liên quan đến sự cố kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP. Cà Mau chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tổ chức thực hiện tiếp nhận, giải quyết, cập nhật kết quả lên hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh theo đúng quy định; đồng thời, có giải pháp khắc phục triệt để ngay các nguyên nhân, hạn chế trong thời gian qua. Đến thời điểm hiện tại, có thể thấy mô hình này đang dần phát huy hiệu quả, đây được xem là bước đi cần thiết, nhằm hướng đến một nền hành chính hiện đại trên địa bàn tỉnh.

Mô hình một cửa điện tử đã và đang dần phát huy hiệu quả, đây được xem là bước đi cần thiết, nhằm hướng đến một nền hành chính hiện đại trên địa bàn tỉnh.

Theo Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh, để mô hình này này thật sự hiệu quả, các địa phương cần thực hiện tốt các giải pháp: Đăng tải kịp thời các TTHC vừa được công bố lên phần mềm một cửa điện tử để tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Rà soát hiệu chỉnh quy trình xử lý theo hướng cắt giảm những khâu trung gian không cần thiết, đảm bảo TTHC được xử lý nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đúng quy định. Đồng thời, đưa tất cả hồ sơ tiếp nhận vào phần mềm một cửa điện tử để xử lý, theo dõi, kiểm soát (trừ những thủ tục đặc thù, Trung tâm sẽ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo thực hiện). Phân công công chức, viên chức tiếp nhận, trả kết quả phải đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ, có thái độ giao tiếp, ứng xử tốt, nhiệt tình trong công việc; hạn chế thấp nhất tình trạng yêu cầu bổ sung hồ sơ sau khi đã tiếp nhận.

Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả phải được kiểm soát, quản lý chặt chẽ, đối với hồ sơ chưa đầy đủ, phải có văn bản hướng dẫn bổ sung hồ sơ một lần. Đối với hồ sơ đã đầy đủ, khi tiếp nhận phải đưa vào phần mềm một cửa điện tử để theo dõi, xử lý, đồng thời phải xuất giấy tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả từ hệ thống, khi giải quyết xong phải đính kèm kết quả giải quyết để tổ chức, cá nhân dễ dàng tra cứu.

Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4. Nếu trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, nên liên hệ Trung tâm để được hỗ trợ kịp thời…

Tại một diễn biến liên quan, nhằm hướng đến một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền về Chính quyền điện tử và dịch vụ công trực tuyến năm 2020. Theo đó, việc tuyên truyền nhằm mục đích đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, nhằm tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của các cấp lãnh đạo trong tỉnh. Triển khai, sử dụng các ứng dụng Chính quyền điện tử, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Qua tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức, đổi mới phương thức làm việc trên môi trường mạng, đảm bảo an toàn thông tin mạng; tăng cường sử dụng, khai thác hiệu quả các ứng dụng Chính quyền điện tử, đặc biệt là sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh.

Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu nội dung tuyên truyền phải phù hợp với mục tiêu chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước về phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử; phù hợp với từng đối tượng muốn tuyên truyền; nội dung dễ hiểu, dễ thực hiện.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải là người đi đầu và thường xuyên sử dụng, khai thác ứng dụng Chính quyền điện tử.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *