Con tôm ôm rơm lúa

Ông Trần Minh Châu (ấp Ông Như, xã Tân Ân Tây), người đầu tiên của huyện Ngọc Hiển dùng rạ rơm để tạo nơi trú ẩn và làm thức ăn cho thủy sản.

Ông Trần Minh Châu (ấp Ông Như, xã Tân Ân Tây), là người đầu tiên áp dụng mô hình dùng rơm lúa kết hợp men vi sinh trải dọc theo vuông tôm. Trước khi cho rơm vào vuông, ông Châu bó các cuộn rơm và dùng cây cặm để rơm nổi lên mặt nước, không bị trôi và chạm đất. Sau 10 – 15 ngày, rơm sẽ chìm trong nước, lúc này ông Châu mới thả con giống. Cách làm này vừa tạo chỗ ở cho giống thủy sản, vừa tạo thức ăn sau này cho con tôm, con cua. Ông Châu cho biết: “Qua nhiều lần nuôi tôm và cua thất vụ, kinh tế gia đình gặp khó khăn. Ở vùng đất mặn chuyên nuôi trồng thủy sản nhưng kinh tế không khá lên được thì không cam lòng. Xem nhiều sách, báo, đài, ở vùng mặn ngọt người ta dùng rạ lúa cho con tôm ăn rồi tôm phát triển, nuôi hiệu quả. Thế là tôi mua rơm về nghiên cứu thử. Qua thời gian thấy hiệu quả”.

Sau khi áp dụng cách này, con nước mới đây, ông Châu thu nhập từ cua trên 15 triệu đồng, tôm nuôi cũng đang trong giai đoạn phát triển tốt. Theo ông Châu: “Đây là con nước trúng cua nhất trong 10 năm trở lại đây”.

Thấy hiệu quả, nhiều hộ dân trên địa bàn ấp Ông Như và các ấp lân cận cũng học hỏi, làm theo. Trước đây khi thả nuôi, hầu hết người dân chỉ thực hiện theo phương thức nuôi truyền thống, khó kiểm soát đối tượng nuôi. Nhưng với cách làm này, con tôm, con cua thường bám vào rơm lúa để sinh sống, phát triển rất nhanh và hộ nuôi rất dễ kiểm soát. Mới thực hiện nhưng anh Hồ Văn Sỹ (ấp Ông Như) tin rằng mô hình này tạo môi trường khá lý tưởng cho con tôm, con cua bám vào, hạn chế hao hụt. Hiện giá rơm được các mối ở vùng ngọt hóa chuyển tận nơi giá 3 triệu đồng/tấn rơm. Còn mua bó khoảng 12kg giá khoảng 35 ngàn đồng.

Trong quá trình thực hiện mô hình, cần lưu ý đến cách trải rơm phù hợp. Không để rơm chạm đất, sẽ gây thối rơm, ảnh hưởng môi trường nước. Do rơm lúa có tác dụng làm chỗ ở và làm thức ăn cho thủy sản nuôi, nên cần chú ý cách treo rơm đúng kỹ thuật. Theo ông Nguyễn Thiện Sáu (ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây): “Bó rơm tương đối lớn, mình phải rã ra làm hai, treo rơm không chạm đất, khi rơm mục ra sẽ tạo tảo tốt cho môi trường nước, tôm, cua phát triển nhanh hơn”.

Bước đầu thực hiện mô hình cho thấy năng suất đạt cao hơn so với nuôi truyền thống. Tuy nhiên, nhiều hộ dân khẳng định, để áp dụng mô hình này, trước khi thả giống thủy sản, cần diệt cá tạp. Bởi con giống vào thời gian đầu sẽ trú ẩn, sinh sống ở những cuộn rơm nên dễ trở thành thức ăn cho cá tạp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *