Công đoàn ngành Giáo dục học và làm theo Bác

Bà Đặng Thùy Phương (phải), Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Cà Mau, trao bảng hỗ trợ “Nhà đồng nghiệp” cho nhà giáo, người lao động gặp khó khăn về nhà ở. Đây là một trong những việc làm thiết thực của Công đoàn ngành.

Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương

Đối với Công đoàn ngành Giáo dục Cà Mau, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được cụ thể hóa thông qua cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cùng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; qua đó tạo được những chuyển biến tích cực trong ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của các đơn vị.

Thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đội ngũ nhà giáo, người lao động luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo trong hoạt động, góp phần đổi mới sự nghiệp giáo dục. Công đoàn cùng chính quyền xây dựng chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ nhà giáo người lao động tại đơn vị như một thang điểm thi đua và xem đó là tiêu chuẩn quan trọng nhất trong công tác thi đua khen thưởng.

Ông Tạ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và bà Đặng Thùy Phương, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, trao giấy khen cho các tập thể và cá nhân đạt giải tại cuộc thi viết “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm theo Bác” năm 2019.

Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo, người lao động toàn ngành cũng tích cực nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường sử dụng các phương pháp giáo dục mới, sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học… Công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm cũng được các đơn vị đẩy mạnh, coi đó là nhiệm vụ thiết thực phục vụ cho công tác giảng dạy.

Bà Đặng Thùy Phương, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Cà Mau: “Công đoàn cơ sở cơ quan, đơn vị trường học đã tích cực học tập và làm theo gương Bác, nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nhất là trong đội ngũ cán bộ quản lý, đảng viên, công chức, viên chức và thế hệ trẻ. Các đơn vị gắn việc học tập và làm theo Bác với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đưa việc rèn luyện phẩm chất đạo đức thành nội dung cơ bản quan trọng chương trình hoạt động, công tác. Ngành luôn kịp thời lắng nghe ý kiến của nhân dân, phụ huynh, từ đó nhận được sự đồng thuận của người dân”.

Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã cụ thể hóa việc học và làm theo Bác trong toàn ngành. Các thầy, các cô thực sự đã trở thành những tấm gương sáng về năng lực chuyên môn để đồng nghiệp học hỏi, là tấm gương về đạo đức, ý thức, trách nhiệm để học sinh noi theo.

Học tập và làm theo Bác, những năm qua, các cấp công đoàn cơ sở, đơn vị trường học trong toàn ngành có nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Hỗ trợ nhà đồng nghiệp, nhà công vụ, trao quà cho nhà giáo người lao động gặp khó khăn trong cuộc sống.

Lan tỏa từ một cuộc thi

Cùng với cuộc vận động dành cho các cán bộ quản lý, giáo viên, cuộc thi viết “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm theo Bác” năm 2019 cũng là một nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau triển khai có hiệu quả, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền việc học tập và làm theo Bác; động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, cũng như thông qua đó phát hiện, nêu gương, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong quá trình giảng dạy.

Nhận thức sâu sắc được ý nghĩa của cuộc thi, các cấp công đoàn cơ sở, đơn vị trường học trực thuộc đã tích cực đẩy mạnh công tác phát động, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng ứng. Cuộc thi đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, với 204 bài dự thi. Các bài viết đã thể hiện được nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đi sâu về những gương điển hình tiêu biểu trong giảng dạy, lao động, học tập và đồng thời liên hệ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của bản thân, cơ quan, đơn vị trường học, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều bài thể hiện nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm đối với cuộc thi.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được cụ thể hóa thông qua cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Bài viết “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhà giáo theo tư tưởng của Bác” của cô Trần Thanh Thúy (Phân hiệu Đại học Bình Dương tại Cà Mau) về gương Nhà giáo ưu tú Đoàn Thị Bẩy – một nhà giáo đã để lại một dấu ấn không phai trong lòng đồng nghiệp và học sinh, sinh viên ở phương châm “dạy chữ đi đôi với dạy người”; “Thầy hiệu trưởng gần gũi với đồng nghiệp” là chủ đề bài viết của thầy Lê Quốc Khánh (giáo viên Trường THPT Đầm Dơi) đã nêu lên được một tấm gương mẫu mực, lối sống giản dị, tiết kiệm, tận tụy với công việc, thân thiện với đồng nghiệp, gần gũi yêu thương học sinh của thầy hiệu trưởng Châu Văn Tuy… Những câu chuyện, những bài viết của các thầy cô giáo đã góp phần nâng cao nhận thức, giúp mỗi nhà giáo rèn luyện, tu dưỡng và nâng cao phẩm chất đạo đức tốt đẹp, từ đó góp phần xây dựng môi trường sư phạm nói riêng và xã hội nói chung ngày càng tốt đẹp. Đồng thời cũng là diễn đàn trao đổi, nghiên cứu, học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, qua đó giúp mọi người có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bà Đặng Thùy Phương nhấn mạnh: “Thời gian qua, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong Công đoàn ngành Giáo dục Cà Mau đã được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Học tập và làm theo Bác đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn ngành, là việc làm thường xuyên hàng ngày của mỗi nhà giáo, người lao động, công đoàn cơ sở, đơn vị trường học, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *