Công tác phòng, chống thiên tai tại Cà Mau: Cần kịp thời, sát thực tế, cơ chế mở

Nhiều giải pháp ứng phó thiên tai

Đến nay, 100% Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành đã được kiện toàn  với 69 thành viên, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế. Với các phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, tỉnh đã thành lập Đội tàu cứu hộ, cứu nạn trên biển với 70 phương tiện, thực hiện hiệu quả công tác trên biển, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản không chỉ cho nhân dân trong tỉnh mà còn cho ngư dân các tỉnh bạn tham gia khai thác hải sản trên vùng biển Cà Mau và lân cận. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, Ban Chỉ huy tỉnh đã phát thông báo cho gần 2.000 tàu cá tham gia tìm kiếm cứu nạn 34 vụ trên biển; huy động 30 lượt tàu cá/119 thuyền viên và 7 lượt tàu/87 cán bộ chiến sĩ tìm kiếm cứu nạn trên biển và đã cứu vớt thành công 43 người, lai dắt an toàn vào bờ 9 tàu cá, 1 xà lan gặp nạn trên biển.

Trên đất liền, trong năm 2018, Cà Mau triển khai hàng loạt dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai, chủ yếu tại các địa phương ven biển, với tổng nguồn vốn gần 186 tỷ đồng. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện các dự án, công trình tại các khu tái định cư tại vùng ven biển với nguồn vốn bố trí đến năm 2018 hơn 110/273 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Theo đó, tính từ năm 2013 đến nay, đã bố trí được 1.270 hộ với 5.329 nhân khẩu vào ở tại các khu dân cư, với tổng vốn đầu tư trên 344 tỷ đồng, bà con từng bước ổn định về đời sống. Tại vùng sạt lở ven biển, Cà Mau cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp kè hộ đê tại những vị trí xung yếu, khẩn cấp với tổng kinh phí trên 176 tỷ đồng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.

Cơ chế kinh phí chưa phù hợp thực tế

Tại buổi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai của Đoàn công tác Trung ương do Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng dẫn đầu làm việc tại tỉnh trong tuần qua, Cà Mau kiến nghị nhiều vấn đề trọng tâm, trong đó nhấn mạnh vấn đề kinh phí cho công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai còn hạn chế, trong khi tình hình thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp do tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đối khí hậu và nước biển dâng, gây thiệt hại ngày càng lớn. Sạt lở đất trên địa bàn đang ngày càng diễn biến nhanh và phức tạp, nhưng việc xử lý khắc phục lại không được áp dụng theo quy chế khẩn cấp, mất rất nhiều thời gian, nhất là việc thiếu nguồn kinh phí, dẫn đến đất, rừng tiếp tục biến mất, việc hồi phục cần có thời gian và khá tốn kém về kinh phí…

Vấn đề doanh nghiệp tham gia bảo vệ bờ biển, dù Trung ương ủng hộ, nhưng cơ chế về sử dụng đất đai vẫn “trói buộc”, chưa phát huy hiệu quả, lợi ích đã được kiểm chứng tại địa phương trong việc huy động thành phần kinh tế này.

Một thực tế được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử thông tin, do nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên việc vay nguồn từ ODA theo phân định cũng chẳng được bao nhiêu, và hầu như tất cả phải “đổ ra biển” để xây kè hộ đê, không dùng cho đầu tư phát triển để sinh lời như các địa phương khác. Chỉ sử dụng cho phòng chống, ứng phó thiên tai, bảo vệ bờ biển, mà phải vay lại là chưa phù hợp với thực tế những gì đang diễn ra tại Cà Mau. Nhiều năm rồi, “may mắn” bão không đổ bộ vào Cà Mau và dù điều kiện sinh sống, nhà cửa có kiên cố hơn so với thời điểm bão Linda năm 1997, nhưng sức chống chịu tại địa phương cho thấy còn nhiều hạn chế, nguy cơ thiệt hại vẫn sẽ là khá lớn nếu có bão gây ảnh hưởng trực tiếp. Một thực tế chứng minh, mỗi khi chỉ cần có giông lốc là đã khiến hàng loạt căn nhà sập và tốc mái. Đã có hơn 1.200 căn nhà sập và tốc mái do giông lốc xảy ra trong năm 2018 và những tháng đầu năm nay.

Một thực tế đáng lo ngại khác hiện nay tại địa phương là việc ngư phủ mất tích. Nếu như năm 2018 có 34 thuyền viên mất tích trên biển, thì chỉ trong hơn nửa năm nay, con số ngày đã ở mức 20 người. “Do tai nạn, bất cẩn hay vì một lý do nào khác, địa phương đang tìm hiểu cặn kẽ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, đồng thời kiến nghị đến Đoàn công tác cần có đánh giá thực trạng này mang tính toàn diện trên cả nước, từ đó có được giải pháp hiệu quả.

Tác động thiên tai ngày càng gây ảnh hưởng nặng nề tại địa phương, cần xem xét xử lý theo cơ chế khẩn cấp.

Đã chủ động, cần tiếp tục kiên trì 

Nhiều tư duy, sáng tạo, đặc biệt là sự chủ động, điển hình là đầu tư xây dựng kè bảo vệ đê biển, tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ –  Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam đánh giá cao cách làm của tỉnh Cà Mau, đồng thời cho biết hiện tỉnh Kiên Giang đang học tập, làm theo mô hình này, cụ thể là sẽ xây dựng kè bảo vệ đê ven biển tại vùng giáp ranh với Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh). Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhấn mạnh: Cà Mau cần tiếp tục phát động, kiên trì thực hiện việc xây kè bảo vệ đê biển, vì đó là quan điểm đúng đắn, bởi thực tế nếu không xây kè thì mũi Cà Mau đã mất.

Bảo vệ bờ biển là bảo vệ nhiều vấn đề luôn mang tính thời sự nóng bỏng, cần chủ động. Bảo vệ bờ biển là bảo vệ toàn vẹn trên hầu khắp các lĩnh vực, thế nên cần huy động mọi nguồn lực, thành phần xã hội cùng chung tay, góp sức, trong đó không thể thiếu sự hiện diện từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Cần nâng cao trang bị kỹ năng phòng chống thiên tai để mọi người tăng tính chủ động, phòng ngừa, ứng phó, bởi thiên tai lúc nào cũng có thể xảy ra, cả trên đất liền và trên biển…, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam yêu cầu.

Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, đối với các kiến nghị của địa phương, Đoàn công tác ghi nhận, sẽ có báo cáo bằng văn bản cũng như gửi ý kiến trực tiếp với Trung ương, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, nhất là về cơ chế; kịp thời trong hỗ trợ đầu tư, giúp địa phương thực hiện ngày càng tốt hơn các giải pháp ứng phó, phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sau thiên tai, nhất là trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *