COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến đề án xuất khẩu lao động

Các học viên đăng ký học ngoại ngữ tại các trung tâm đã về lại gia đình, chờ dịch COVID-19 “hạ nhiệt” mới tập trung lại.

Khi có thông tin dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có công văn gửi Trung tâm Lao động ngoài nước (trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH), đề nghị quan tâm đối với lao động ở Cà Mau sang làm việc ở nước này. Đồng thời, đề nghị các công ty đang sử dụng lao động của Cà Mau làm việc ở nước ngoài quan tâm đối với các lao động này, hướng dẫn cách phòng chống dịch một cách hiệu quả nhất. Song song đó, Sở LĐ-TB&XH gửi văn bản cho Công ty Icoogruop vì công ty có đưa hơn 30 du học sinh hệ vừa học vừa làm sang Hàn Quốc, đề nghị công ty có động thái quan tâm các em để các em phòng tránh được tốt nhất dịch COVID-19.

Đối với thị trường lao động Nhật Bản, theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2018 đến nay, Cà Mau có 400 người sang lao động và học tập lao động tại thị trường Nhật Bản. Còn đối với lao động ngoài tỉnh, hàng năm có trên 2.000 lao động làm việc tại các tỉnh, thành. Với kế hoạch năm 2020, Cà Mau sẽ đưa 500 lao động đi làm việc thị trường nước ngoài, ngay từ đầu năm, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng kế hoạch tập trung tuyên truyền và hướng dẫn việc làm cho thanh niên ở độ tuổi lao động. Ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở, cho biết đã chủ động tuyên truyền trong lực lượng thanh niên mới vừa xuất ngũ trở về địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho các lao động đã hết thời gian làm việc trở về địa phương gặp gỡ các đối tượng là thanh niên trong độ tuổi lao động để giao lưu, “truyền lửa” cho các em hiểu hơn về việc làm ở nước ngoài.

Với chỉ tiêu xuất khẩu 500 lao động sang thị trường nước ngoài, Sở LĐ-TB&XH phải thực hiện cùng lúc nhiều kế hoạch để con số này thành hiện thực, như Kế hoạch triển khai tuyên truyền cho các đối tượng học sinh và sinh viên, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kế hoạch này vẫn còn nằm “trên giấy”. Các công ty dạy ngoại ngữ và dạy nghề cũng ngưng mọi hoạt động, các em đã về với gia đình, chờ qua dịch bệnh mới tập trung lại.

Hiện tại, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đang “chắt lọc” về công tác dạy nghề tại các trường dạy nghề. Phải đào tạo những nghề thị trường nước ngoài đang thiếu, để khi nhận việc tại các nước, lao động Cà Mau không bị bỡ ngỡ.

Ông Từ Hoàng Ân cho biết, việc thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu lao động của năm nay bước đầu đang gặp khó khăn, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động xuất khẩu lao động, giúp người lao động nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài, chế độ chính sách của đề án xuất khẩu lao động những đối tượng được thụ hưởng, cơ chế thực hiện. Quan trọng là thông tin về thị trường lao động, điều kiện tuyển chọn, mức phí, thời gian đào tạo, điều kiện làm việc và mức thu nhập của người lao động, phong tục tập quán của nước tiếp nhận lao động, để người lao động nắm rõ các nội dung, lựa chọn thị trường phù hợp.

Mặt khác, tạo điều kiện để các đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường dạy nghề để đào tạo nghề sát với thực tế công việc của các đối tác. Việc đào tạo phải thực hiện trước khi tuyển dụng và sau khi trúng tuyển, để người lao động nhanh chóng tiếp cận công việc mới khi sang nước ngoài. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp chặt với các trường nghề, trường cao đẳng, đại học trong tỉnh và ngoài tỉnh có sinh viên Cà Mau theo học tổ chức tư vấn về xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, người dân phần nào lắng lo khi cho con em sang làm việc tại nước ngoài, nên công tác tuyên truyền đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *