“Cuộc chiến” lâu dài với dịch tả heo châu Phi

Nguy cơ dịch xâm nhập vào các trại chăn nuôi lớn

Tình hình DTHCP trong những ngày qua tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài, dịch bệnh đang lây lan nhanh tại những địa phương có dịch và phát tán đến các địa phương chưa có dịch. Tại các ổ dịch đã qua 30 ngày vẫn tiếp tục tái phát: Xã Tân Ân, Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển), xã Trí Phải (huyện Thới Bình), Tân Thuận (huyện Đầm Dơi). Với tính chất lây lan nhanh và đường truyền khó kiểm soát, dự báo DTHCP sẽ xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

Nếu dịch lan rộng vào các trang trại lớn sẽ gây thiệt hại rất nặng nề cho ngành chăn nuôi. Hiện, toàn tỉnh Cà Mau có 8 trang trại nuôi heo tập trung, với quy mô tổng đàn 18.200 con; 153 gia trại nuôi heo với gần 8.000 con; cùng 18.000 hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, tổng đàn gần 74.000 con. Mới đây, tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) có 6 con heo nái bỏ ăn, kết quả xét nghiệm dương tính với DTHCP và đã có 13/41 con heo nái chết; ngành chức năng tiến hành chôn số heo còn lại theo quy định. Trung tâm đã tập trung các biện pháp chống dịch khẩn cấp.

Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: “Trước nguy cơ dịch lan rộng vào các trang trại lớn, các địa phương tập trung hướng dẫn các chủ trang trại phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi thường xuyên với tần suất dày hơn trước kia. Hạn chế người ra vào trang trại. Đối với xe chở thức ăn hay xe xuất heo, phải đậu xa khu vực chuồng nuôi và phải phun khử trùng. Bên cạnh đó phải liên tục giám sát, khi heo có biểu hiện nhiễm DTHCP thì lập tức báo cáo cho chính quyền cũng như lực lượng thú y để xử lý kịp thời, tránh lây lan”.

Tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, số heo chết, tiêu hủy ngày càng tăng.

Cần quyết liệt giảm tổng đàn

Tỉnh đã thực hiện giải pháp giảm quy mô đàn heo thịt trong nông hộ nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, giảm chi phí, thời gian thực hiện công tác phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải: “Đây là giải pháp mạnh, cần khẩn trương hoàn thiện, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, mới đẩy lùi được dịch bệnh và giảm tổn thất cho ngành chăn nuôi, cho ngân sách tỉnh”. Phương án này đặt mục tiêu hoàn thành trong 100 ngày đêm. Tuy nhiên, qua hơn 1 tháng thực hiện, đến nay chỉ giảm hơn 15.400 con heo, đạt tỷ lệ 21% so với kế hoạch đề ra.

Dù ngành chức năng đã tích cực vận động thương lái thu mua heo trong tỉnh để giết mổ, tiêu thụ và có mức hỗ trợ phù hợp, tuy nhiên vẫn không đạt yêu cầu. Vì nguồn heo nhập tỉnh có giá thấp, các thương lái có mối làm ăn nhiều năm, nên dễ dàng mua được heo thịt với số lượng lớn, ổn định. Trong khi đó, người chăn nuôi ở Cà Mau chủ yếu sinh sống ở địa bàn nông thôn, nuôi nhỏ lẻ, việc thu mua sẽ tốn nhiều chi phí vận chuyển, thời gian… Cùng với các giải pháp ngăn chặn dịch lây lan diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương quyết liệt thực hiện phương án giảm tổng đàn, phương án bảo vệ đàn heo bố, mẹ để đủ điều kiện đảm bảo an toàn sinh học khi tái đàn.

Các địa phương thực hiện phun xịt sát trùng phương tiện tại các trạm đầu mối giao thông.

Mới chỉ thống kê thiệt hại

Tính đến ngày 24/9, toàn tỉnh có gần 1.300 hộ bị thiệt hại do DTHCP, số heo bị tiêu hủy hơn 5.400 con. Ước tính số tiền chi cho công tác phòng chống dịch trên 27,9 tỷ đồng, trong đó ước hỗ trợ cho người dân có heo bị tiêu hủy gần 11,3 tỷ đồng.

Cà Mau đã triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTHCP. Theo đó, mức hỗ trợ là 25.000 đồng/kg đối với heo con, heo thịt; hỗ trợ 30.000 đồng/kg đối với heo nái, heo đực đang khai thác cho người chăn nuôi có heo bị bệnh DTHCP phải tiêu hủy. Tuy nhiên, công tác tiến hành hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại vẫn đang dừng lại ở việc thống kê.

Ông Nguyễn Thành Huy cho biết, theo quy định, các ổ dịch đã qua 30 ngày không tái phát bệnh, công bố hết dịch thì địa phương thống kê, đánh giá thiệt hại và tiến hành hỗ trợ cho đồng bộ, thuận lợi. Tuy nhiên, đa phần các ổ dịch sau 30 ngày lại tái phát nên chưa thể hỗ trợ cho dân. “Chúng tôi hiểu cuộc sống người dân chăn nuôi đang khó khăn và đã tham mưu hỗ trợ trước một phần, giải quyết cho những hộ có heo bị tiêu hủy toàn đàn”, ông Huy cho biết thêm.

Xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển) là địa phương xuất hiện DTHCP đầu tiên trong tỉnh. Xã đã công bố hết dịch, nhưng sau vài ngày lại tái phát, số heo bị tiêu hủy đến nay 232 con, trọng lượng gần 14 tấn, 33 hộ trên địa bàn đang rất trông chờ hỗ trợ. Ông Lê Minh Thùy, Chủ tịch UBND xã, sốt ruột: “Mỗi ngày có mấy lượt bà con đến xã hoặc điện thoại hỏi thăm tiền hỗ trợ sao lâu quá chưa có. Địa phương đã đề xuất kinh phí 457 triệu đồng để hỗ trợ cho dân và đang chờ. Thiết nghĩ, nếu chưa đủ kinh phí thì nên xem xét hỗ trợ một phần để bà con trang trải cuộc sống”.

Cùng gặp khó về kinh phí, huyện Phú Tân đã có tờ trình xin bổ sung kinh phí để chi trả và thanh quyết toán công tác phòng, chống DTHCP. Tờ trình nêu rõ, do điều kiện ngân sách huyện khó khăn, kinh phí cho bệnh DTHCP chưa được dự phân bổ trong dự toán đầu năm, vượt khả năng cân đối từ nguồn ngân sách huyện. 9/9 xã trên địa bàn huyện có ổ DTHCP, tại 101 hộ, tiêu hủy trên 400 con. Theo tính toán, huyện cần 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị thiệt hại và các khoản chi phí khác.

Qua ghi nhận, hiện nay các địa phương đã thực hiện công tác thống kê thiệt hại và đề xuất nguồn kinh phí từ các cấp để hỗ trợ cho dân. Người dân đồng tình với mức hỗ trợ mà Chính phủ quy định và đang rất mong chờ nhận được tiền để có thể trang trải cuộc sống cũng như giảm thiểu những khó khăn do DTHCP gây ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *