Cứu tôm “mắc cạn”

Với hơn 150.000 hộ nuôi tôm, chiếm tỷ lệ khá lớn trong cơ cấu sản xuất của tỉnh, Cà Mau luôn nằm trong tốp đầu về sản lượng nuôi tôm của cả nước; tuy nhiên, hiện nay con tôm Cà Mau đang “mắc cạn” ở các kho đông lạnh, chưa thể sang những thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Nhằm chia sẻ khó khăn chung, nhiều đơn vị tín dụng đã linh hoạt các gói vay nhằm trợ lực cho doanh nghiệp.

Áp lực từ nhiều phía

Lượng hàng tồn kho và lưu kho của các DN chế biến khoảng 17.000 tấn. Trong đó, lưu kho khoảng 6.000 tấn, chiếm tỷ trọng khoảng 70 – 75% sức chứa của các kho trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các DN vẫn duy trì hoạt động sản xuất để tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho nông dân và giải quyết việc làm cho công nhân, góp phần ổn định kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, DN sẽ gặp khó khăn hơn về thị trường xuất khẩu, kho lưu trữ hàng hóa, nguồn vốn, lao động… để duy trì hoạt động.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện thuận lợi để kịp thời hỗ trợ cho các DN hoạt động chế biến xuất khẩu bị ảnh hưởng dịch COVID-19 được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất; không tính lãi chậm đóng Bảo hiểm xã hội đối với người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài ra, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn các chi nhánh trực thuộc cấp khu vực, cấp tỉnh cụ thể chi tiết các giải pháp hỗ trợ cho các DN hoạt động chế biến xuất khẩu bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Khó lại càng khó, so với cùng kỳ năm trước, giá tôm năm nay giảm sâu. Mặc dù hiện tại giá có nhích lên nhẹ nhưng vẫn còn khá thấp. Trong đó, theo giá tôm bình quân chung của tỉnh, tôm sú loại 20 con/kg hiện có giá 165.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá 134.000 đồng/kg; 40 con/kg giá 101 ngàn đồng/kg. Tôm thẻ giá dao động từ 75 – 85 ngàn đồng/kg.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chủ trương gỡ khó cho DN, nhưng trên thực tế chính sách vẫn chưa tới tay DN. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Cà Mau, ông Trần Quốc Khởi cho biết: “Ngân hàng Nhà nước tỉnh hỗ trợ từ nguồn Chính phủ, ngân hàng không có nguồn hỗ trợ. Do vậy, chỉ có thể giảm lãi suất, kéo giãn nợ… Khó khăn là phải đợi các ngân hàng ban hành quy chế nội bộ”.

Các doanh nghiệp thủy sản dù đang khó khăn nhưng vẫn duy trì hoạt động, vừa chăm lo cho đời sống của công nhân, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

Cần có sự đồng thuận, quyết tâm chung

Trong khó khăn chung, nhiều đơn vị tín dụng đã linh động các gói hỗ trợ, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Cà Mau, ông Trần Văn Lực chia sẻ: “Nhằm hỗ trợ các DN thủy sản vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, BIDV đã triển khai 2 gói tín dụng: Gói 1: Cho vay tín dụng ngắn hạn hỗ trợ DN đối với khách hàng hiện hữu (bao gồm khách hàng thủy sản), quy mô 20.000 tỷ VND và 100 triệu USD, thời hạn đến hết ngày 30/6/2020 hoặc đến khi hết quy mô. Lãi suất vay VND giảm tối thiểu 1%/năm và USD giảm tối thiểu 0,5%/năm so với lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng tại thời điểm gần nhất. Gói 2: Chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bán lẻ và khách hàng DN (bao gồm khách hàng thủy sản) có dư nợ phát sinh trước ngày 1/4/2020. Thời gian áp dụng từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 hoặc đến khi BIDV thông báo dừng triển khai chương trình. Mức giảm từ 0,25 – 2% tùy theo mức độ ảnh hưởng, khách hàng cần phải có tài liệu chứng minh để ngân hàng làm cơ sở xem xét hỗ trợ theo mức độ cụ thể, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng”.

Mặt khác, trên thực tế, các chủ trương, chính sách hỗ trợ để giúp DN còn chậm, khiến nhiều DN khó khăn. Tại cuộc họp gần đây, bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN thủy sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử đánh giá: “Chủ trương hỗ trợ DN kinh doanh thủy sản đã có, nhưng việc cụ thể hóa chính sách còn chậm. Các hội sở ngân hàng cần có yêu cầu khẩn trương ban hành quy chế nội bộ từng hệ thống ngân hàng, chỉ đạo các chi nhánh sát cánh với DN để giải quyết đúng cái khó”.

Bàn về giải pháp, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh: “DN có tồn tại được hay không đều liên quan đến nông dân. Nếu nông dân dừng sản xuất, DN sẽ không có nguyên liệu, không thể sản xuất. Do vậy, để duy trì sản xuất một cách ổn định, hiệu quả của nông dân, trước tình thế này, DN phải lên tiếng, minh bạch thông tin thu mua để nông dân nắm bắt, tránh tình trạng thương lái thu mua với giá lung tung, làm hại đến lợi nhuận kinh tế của người dân. Cần cung cấp đầy đủ thông tin, năng lực chế biến đối với ngân hàng để tạo đủ niềm tin cùng nhau gỡ khó trong điều kiện dịch bệnh này”.

Hiện, Cà Mau đang dồn toàn lực để lo cho ngành tôm, cho ngành xuất khẩu thủy sản vượt qua cơn đại dịch.

Bàn sâu về chuyên môn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, ông Châu Công Bằng cho biết: “Phía DN cần thống kê chi tiết tình hình thu mua, xuất khẩu, hàng tồn kho, khả năng mua tiếp và chứng minh nếu như có cơ chế hỗ trợ thì khả năng, kế hoạch doanh nghiệp thực hiện kế tiếp như thế nào? Có như vậy ngành Nông nghiệp mới có cơ sở trình giải pháp tháo gỡ đến UBND tỉnh”.

Về phía người nuôi tôm, ông Châu Công Bằng cũng khuyến cáo: “Một số hộ nuôi tôm chưa tới nước thu hoạch phải bình tĩnh theo dõi chặt tình hình, chọn những đại lý, thương lái có giá sát thị trường. Nếu chưa tới thời gian thu hoạch cũng không nên nóng vội bán, nuôi mật độ thưa ra. Khi có giá tốt nên bán. Đối với những hộ thu hoạch rồi, chuẩn bị thu hoạch nên cân nhắc trước khi thả vụ mới, đặc biệt đối với tôm thâm canh và siêu thâm canh, có thể tạm thời chuyển sang các đối tượng khác có giá trị kinh tế để duy trì hoạt động sản xuất và thu nhập”.

Về phía tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải vừa có công văn chỉ đạo Sở Công thương; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh về việc cho vay vốn để thu mua nguyên liệu tạm trữ của DN; yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Cà Mau khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương về tín dụng, đặc biệt là cho vay mới hoặc tăng hạn mức cho vay đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19, nhằm khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh. Qua đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện việc cho vay đối với các DN. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các DN thu mua nguyên liệu thủy sản tạm trữ, nhằm tiêu thụ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, đánh bắt của người dân và giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, góp phần ổn định kinh tế – xã hội của tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *