Đại biểu Quốc hội Dương Thanh Bình (Cà Mau): Thủ tướng Chính phủ nên phát động phong trào thi đua thực hành tiết kiệm trên toàn quốc

Theo Chương trình thảo luận tổ 1,5 ngày, đại biểu sẽ tập trung thảo luận 6 nội dung gồm: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 – 2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011 – 2015); kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá trong báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, nhất là năm 2016, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thấp hơn dự báo; giá dầu thô và nhiều hàng hóa cơ bản ở mức thấp; tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu bất thường, nhanh hơn dự báo; đất nước gặp nhiều khó khăn, bất lợi, thiên tai nắng hạn, bão lũ; sự cố ô nhiễm môi trường biển… gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Năng suất lao động xã hội thấp và khả năng cạnh tranh yếu kém hạn chế lợi thế của nước ta trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ đồng đều trên tất cả các lĩnh vực… sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, được sự đồng thuận của nhân dân và giới doanh nhân đã thu được kết quả tích cực trong mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.

Với mục tiêu xây dựng Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, trong sạch và liêm chính. Đại biểu Quốc hội ghi nhận Chính phủ đã cố gắng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển du lịch; bảo vệ môi trường… Chỉ đạo và xử lý kịp thời vấn đề mới phát sinh… tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế, quản lý điều hành bằng pháp luật, cơ chế, chính sách. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu….

Với vai trò là Tổ trưởng, đại biểu Quốc hội Dương Thanh Bình phát biểu: Năm 2017, Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; trong thể chế cần lưu ý việc ban hành quy định phải thống nhất Bộ, ngành có liên quan, tránh quy định chồng chéo, thiếu nhất quán, gây khó trong thực hiện; Chính phủ cần phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương về thực thi nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực (phù hợp với pháp luật), vì nơi ấy đã có Đảng lãnh đạo, có HĐND, UBND và các đoàn thể chịu trách nhiệm với Chính phủ và với nhân dân địa phương.

Đề nghị Chính phủ xem xét lại các định mức kỹ thuật và định mức phân bổ, có chỉnh sửa để phù hợp với đặc điểm vùng, miền và tính chất công việc; tăng cường chỉ đạo và có biện pháp quyết liệt với công tác phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống tham nhũng… Cần có cơ chế, chính sách đối với cấp cơ sở, theo hướng tăng nguồn lực cho cơ sở.

Trước mắt tăng lương và hoạt động phí cho cấp cơ sở; và nếu được, có thể phân giao trách nhiệm rõ ràng theo hướng, thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên thì được phân bổ chi ngân sách cấp xã theo quy định hiện hành. Nếu trong năm, Trung ương giao thêm nhiệm vụ thì Trung ương cấp kinh phí; tỉnh giao thêm nhiệm vụ thì tỉnh cấp kinh phí… Vấn đề cuối cùng đại biểu Dương Thanh Bình đề xuất được Thủ tướng đồng ý và đại biểu biểu trong tổ tán đồng, đó là: Thủ tướng Chính phủ nên phát động phong trào thi đua thực hành tiết kiệm trên toàn quốc, trên tất cả các lĩnh vực: Sản xuất, dịch vụ (công, tư), dự án đầu tư xây dựng (xem lại các loại định mức), kết cấu giá trị công trình…; tiết kiệm tiền, của nhà nước và của nhân dân; tiết kiệm trong từng đơn vị sản phẩm, từng công việc, từng người và xác định trách nhiệm người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *