Đại tá – Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú An Thế Nghiêm: Giản dị đời lính, tận tâm với đời

Ông An Thế Nghiêm và vợ trong ngày nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Những bước chân thầm lặng…

Sinh năm 1933, tại Vân Tràng, Nam Trực, Nam Định, năm 14 tuổi, khi đang ngồi trên ghế nhà trường, theo tiếng gọi Tổ quốc, ông An Thế Nghiêm đã trở thành chiến sĩ liên lạc của Tỉnh Đội, rồi được phân công học y tá và làm y tá tại Tỉnh Đội Ninh Bình. Trong suốt thời gian chống Pháp, ông trải qua nhiều địa bàn và cương vị công tác khác nhau, từ Y tá trưởng Viện Quân y Tiền phương K32, Quân khu 3 đến Thiếu úy, Trợ lý Quân y F350. Năm 1954, tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ông được phân công giữ nhiệm vụ trợ lý quân y Sư đoàn 350 bảo vệ Thủ đô. Năm 1956, ông được cấp trên cử đi học tại Trường Sĩ quan Quân y (nay là Học viện Quân y). Sau hơn 4 năm học tập ở trường, năm 1961, ông trở về nhận công tác tại Phòng Quân y, Quân khu Việt Bắc, sau đó lại được về Trường Đại học Quân y đào tạo tiếp. Năm 1966, học xong, ông nhận nhiệm vụ đi chiến trường B2.

Trong những năm tháng cả nước kiên cường chống Mỹ, ở đâu chiến tranh diễn ra khốc liệt thì ở đó có bước chân của những cán bộ chăm sóc sức khỏe cho chiến sĩ, bộ đội như ông. Từ các tỉnh Đông Nam Bộ, địa bàn hoạt động của các bệnh viện dã chiến thay đổi, di chuyển liên tục từ miền Nam ra Tây Nguyên, thậm chí sang tận Campuchia. Sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, mặt trận Buôn Ma Thuột hết sức khó khăn, khốc liệt. Tháng 6/1968, Bộ Tư lệnh Tây Nguyên B3 đã mở chiến dịch Nam Buôn Ma Thuột. Với cương vị là Viện trưởng Bệnh viện Tiền tiêu K79C, ông được giao nhiệm vụ đảm nhiệm việc thu dung, điều trị, cứu chữa, nuôi dưỡng toàn bộ thương bệnh binh của chiến dịch để chi viện cho mặt trận B3. “Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, vật chất, lương thực, thuốc men thiếu thốn, kỹ thuật ngoại khoa hạn chế, tôi chỉ tăng cường thêm một tổ phẫu thuật dã chiến. Thế nhưng, với sự quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc việc phục vụ chiến dịch, trả về cho mặt trận B3 hơn 600 thương bệnh binh, góp phần bổ sung quân số cho tuyến trước. Tổng kết chiến dịch, bệnh viện của chúng tôi được tặng Cờ thi đua của Bộ Tư lệnh B3. Cá nhân tôi được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Cục Hậu cần B2, cùng tấm Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba”, ông Nghiêm kể lại.

Một điều khá thú vị là cùng thời gian này, ông đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi viết truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội giải phóng phát động với bài viết “Tất cả cho tiền tuyến”. Nội dung tác phẩm ca ngợi tinh thần phục vụ thương bệnh binh vô điều kiện của các chiến sĩ hậu cần ngành Quân y trong hoàn cảnh chiến trường hết sức khó khăn.

Năm 1970, ông An Thế Nghiêm được điều động về làm Viện trưởng Viện K79B Đoàn Hậu cần 86, đảm nhiệm thu dung điều trị bệnh binh từ miền Bắc vào chi viện cho B2 trên địa bàn các tỉnh thuộc Đông Bắc Campuchia. Mặc dù hoàn cảnh chiến trường hết sức khó khăn, vật chất thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, bộ đội hành quân liên miên nhiều tháng trong tình trạng cơ thể suy kiệt, sốt rét ác tính triền miên, nước sinh hoạt khan hiếm, mỗi bệnh binh chỉ được cung cấp nửa bi-đông nước một ngày, nhưng đơn vị do ông trực tiếp chỉ huy đã khắc phục mọi khó khăn để giảm thiểu được tối đa mức tử vong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó.

Năm 1972, ông tiếp tục được chuyển công tác sang làm Viện trưởng Viện Quân y YV3 thuộc Đoàn Hậu cần C10, Đông Nam Bộ, đảm nhiệm thu dung điều trị cho 400 thương binh trong Chiến dịch giải phóng Lộc Ninh.

Theo diễn biến của chiến trường, bệnh viện “di động” do ông trực tiếp phụ trách cũng theo bước hành quân tiến sâu vào phía Nam, vượt qua sông Mã Đà, một địa danh khủng khiếp về bệnh sốt rét ác tính với câu ca truyền miệng “Mã Đà sơn cước anh hùng tận”, rồi tiếp tục vượt qua Sông Bé về Bình Dương – Biên Hòa. Đến giữa năm 1973, theo đề nghị của Bác sĩ Phạm Kinh, Chủ nhiệm Quân y Khu 7, Cục Hậu cần B2 đồng ý chuyển giao toàn bộ Bệnh viện K13 thuộc Đoàn Hậu cần 814 do ông làm Viện trưởng về Quân khu 7. Tháng 4/1973, trước yêu cầu thực tế, cấp trên đã thành lập bệnh viện đầu tiên của Quân khu 7 trong vùng giải phóng, lấy tên là Bệnh viện K113-QK7, nay là Bệnh viện 7B-QK7, Biên Hòa. Ông được bổ nhiệm làm Viện phó.

Tháng 4/1975, Bệnh viện 113-QK7 tiếp quản bệnh viện dã chiến của sư đoàn Mỹ tại TP. Biên Hòa. Thời gian này, ông được phân công làm Viện phó K113, đảm trách chuyên môn phải giải quyết 3 nhiệm vụ gồm: Giải quyết thương bệnh binh từ vùng giải phóng về, điều trị thương bệnh binh sốt rét và chống dịch sốt xuất huyết cho các đơn vị đóng tại Biên Hòa, Vũng Tàu, đặc biệt là bộ đội Không quân tại sân bay Biên Hòa và Tổng kho Long Bình. Tuy trình độ hiểu biết về dịch sốt xuất huyết còn hạn chế, nhưng ông đã điều trị, giúp hàng trăm thương bệnh binh qua cơn nguy kịch, không có trường hợp tử vong.

Tháng 1/1976, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông được phân công ra miền Bắc, về Học viện Quân y chuẩn bị học sau đại học. Năm 1976, ông được cử đi học và thực tập sinh Truyền nhiễm tại Bệnh viện Laszlo-Budapest tại Hungari. Sau khi về nước, ông gắn bó lâu dài với Viện Quân y 103, Học viện Quân y từ năm 1980 cho đến năm 1992. Trong thời gian làm việc tại đây, ông được tập thể tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân chăm lo thêm việc làm kinh tế, tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện đời sống cho nhân viên của khoa trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn. Và đây cũng là những ngày tháng ông được sống trọn vẹn với gia đình, với vợ con, phần nào bù đắp được những thiếu thốn về tình cảm sau nhiều năm xa cách.

“Cho đến giờ phút này, bản thân tôi không đòi hỏi gì cả. Tôi luôn tâm niệm một điều, dù đang công tác hay đã nghỉ hưu, còn sống là còn cống hiến, sống trọn với những phẩm chất cao quý của người lính “bộ đội Cụ Hồ” – ông An Thế Nghiêm.

Biết ơn vợ – hậu phương vững chắc

Trong câu chuyện của mình, ông luôn nhấn mạnh hai từ khâm phục và biết ơn vợ – hậu phương vững chắc; bà đã nhẫn nại chờ đợi, nhẫn nại hy sinh để ông có thể toàn tâm toàn ý phục vụ Quân đội, cứu chữa cho hàng ngàn thương, bệnh binh vượt qua cơn thập tử nhất sinh.

Xa chồng từ năm 24 tuổi nhưng đến năm 35 tuổi, bà Vũ Thị Liên Minh mới có cơ hội gặp lại chồng. Trong khoảng thời gian 10 năm chờ đợi biền biệt ấy, có những thời điểm bà không biết ông còn sống hay đã mất. Thế nhưng, với những phẩm chất tốt đẹp của người vợ “bộ đội Cụ Hồ”, bà Minh vẫn bền bỉ, thủy chung chờ đợi chồng và một mình gồng gánh nuôi con. Đến nay, cả ba người con của ông đã trưởng thành, hiện đều nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước.

Sau khi nghỉ hưu, bà Minh tích cực tham gia các phong trào của Hội Phụ nữ phường Tương Mai, 15 năm giữ chức Phó Chủ tịch Hội, 10 năm làm Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe thiếu niên nhi đồng. Hiện, ông bà đang đỡ đầu nuôi dưỡng một cháu bé là nạn nhân chất độc da cam đang sinh sống ở phường; đều đặn nhiều tháng, nhiều năm nay, ông bà trích một phần lương để chia sẻ với gia đình cháu bé.

Cuộc đời Đại tá – Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú An Thế Nghiêm, 40 năm tham gia kháng chiến và công tác cũng là khoảng thời gian ông phục vụ trọn vẹn cho Quân đội, không chuyển ngành một ngày nào. Các danh hiệu mà Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng cũng khá đủ đầy, có thể làm thành bộ sưu tập từ Huy chương kháng chiến Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba; ba Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Quân công hạng Hai, Huy chương Quân kỳ quyết thắng; đến Huy chương Vì sự nghiệp Bảo vệ sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen khác nhau của Bộ Quốc phòng. Khi về nghỉ hưu tại địa phương, gia đình ông luôn gương mẫu, đoàn kết và nhiều năm liền luôn được địa phương công nhận là Gia đình văn hóa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *