Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống

Tỉnh đã tiến hành tổng điều tra các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội và có các giải pháp kịp thời đảm bảo 100% đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định. Đối với 3 nhóm đối tượng (người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em mồ côi), tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần, có gần 32.000 người được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng tại cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công được quan tâm thực hiện đầy đủ. Hiện tỉnh quản lý và thực hiện chính sách trợ cấp hàng tháng cho trên 20.200 người có công, với tổng kinh phí chi trả trên 28 tỷ đồng. Bà Cao Hồng Cẩm, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Cà Mau, cho biết: Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã vận động được gần 10 tỷ đồng, từ nguồn này xây dựng và sửa chữa 350 căn Nhà tình nghĩa, tạo điều kiện tốt cho đối tượng chính sách ổn định về nhà ở. Thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2013 – 2015 đã hỗ trợ trên 250 căn nhà cho người có công, tổng trị giá trên 7,2 tỷ đồng.

Thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, tỉnh Cà Mau có 6.597 hộ thuộc đối tượng thụ hưởng, hiện giai đoạn 1 đã hoàn thành 1.200 căn, tổng kinh phí trên 104 tỷ đồng.

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả. Từ năm 2010 đến nay có 186 ngàn lao động được học nghề, trong đó, theo chính sách của Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn là 64 ngàn lao động; sau học nghề có việc làm chiếm khoảng 70%. Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.

Trong năm 2015, huyện Trần Văn Thời dẫn đầu tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, đạt 126% kế hoạch, tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt 80%, chủ yếu là tự tạo việc làm tại địa phương. Ông Võ Quốc Thống, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Thời gian qua, huyện chủ động định hướng các mô hình, ngành nghề, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, cùng với việc liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề theo hướng “có địa chỉ”. Theo đó, huyện đã thực hiện 128 mô hình, trong đó có 79 mô hình đạt hiệu quả cần nhân rộng ở các lĩnh vực: Nuôi trồng thủy sản (nuôi lươn, cá bổi, cá trê vàng), chăn nuôi thú y, trồng hoa kiểng, chế biến thủy sản (khô biển, khô bổi, làm mắm)…

Công tác giảm nghèo là một chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Để thực hiện đạt mục tiêu bình quân mỗi năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Hỗ trợ tín dụng ưu đãi hộ nghèo, cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ Bảo hiểm y tế, tiền điện, tiền học cho học sinh nghèo… với sự vào cuộc của toàn xã hội. Ông Nguyễn Thanh Lùng, Bí thư Chi bộ ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, cho biết: “Ấp xóa trắng hộ nghèo từ năm 2012, đến nay đã xóa được hộ cận nghèo. Ngoài thường xuyên tuyên truyền, vận động để hộ nghèo có mục tiêu phấn đấu vươn lên, chúng tôi còn có sổ theo dõi hoàn cảnh của từng hộ nghèo, phân công đảng viên phụ trách, tạo điều kiện để nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội được phát huy hiệu quả. Các đối tượng nghèo trong độ tuổi lao động thì được địa phương giới thiệu đi làm cho các công ty, xí nghiệp. Với cách làm này, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững”.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2010 – 2015, bằng nguồn kinh phí từ Quỹ Vì người nghèo gần 600 tỷ đồng và các nguồn hỗ trợ khác, tỉnh đã xây mới 13 ngàn căn nhà cho hộ nghèo, giúp 36 ngàn hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ 4,9% giảm còn 3,4%…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *