Đảm bảo an toàn cho đánh bắt ven biển

Phương tiện đánh bắt của ngư dân trên địa bàn ấp Kinh Hòn.

Anh Tâm có thâm niên hành nghề đẩy cá cơm và nghề cào ruốc hơn 20 năm. Những chuyện chạy gió trên biển như thế này không còn xa lạ với anh cũng như các hộ dân hành nghề đánh bắt trên biển. Cực là thế, nhưng chưa ai có ý định bỏ nghề. Những hôm thời tiết xấu, Trạm Kiểm soát Biên phòng Đá Bạc (thuộc Đồn Biên phòng Sông Đốc) “làm căng”, không cho các phương tiện nhỏ, thủy nội địa ra khơi đánh bắt vì không đủ điều kiện, thì các hộ dân không khỏi lo lắng, bất an.

Không lo sao được! Vì đây là nghề mưu sinh chủ yếu của những hộ dân sinh sống trên khu vực ven tuyến đê biển. Xã Khánh Bình Tây có 4 ấp giáp biển: Kinh Hòn, Kinh Hòn Bắc, Thời Hưng và Đá Bạc B, có trên 300 phương tiện hành nghề khai thác thủy hải sản trên biển, nhưng trong đó hơn 130 phương tiện hành nghề đánh bắt cá cơm và cào ruốc.

Anh Đỗ Hoàng Nam (ấp Kinh Hòn Mới) bắt đầu “tập tành” làm chủ ghe cào ruốc hơn 6 năm nay, nhưng thực chất anh có thâm niên đánh bắt trên biển đã hơn 10 năm. Anh Nam cho biết trước đây anh ở xã Phong Lạc, cũng đi ghe thuê nhưng cuộc sống “nghèo lại hoàn nghèo”. Nghe theo lời rủ rê của bạn bè, anh về ấp Kinh Hòn học nghề cào ruốc, đẩy cá cơm. Thế mà giúp anh đổi đời! Anh Nam cười hiền: “Nó theo mùa hết à! Như mùa ruốc từ tháng 6 đến 12 (âm lịch) hàng năm, còn mùa cá cơm thì từ tháng Giêng cho tới cuối tháng 5. Có khi ra khơi trúng mẻ đậm thì được vài tấn, như cũng có ngày biển động thì chẳng thu được gì mà còn bị lỗ vốn”. Theo anh Nam cũng như ngư dân nơi đây, cũng có tháng trúng, trừ hết chi phí, anh còn lợi nhuận hơn 30 triệu đồng.

Nhưng hiện đang bước vào những tháng biển động (từ tháng 6 đến 8), mưa nhiều kèm theo gió mạnh, nên hầu hết ngư dân khai thác thủy sản gần bờ chỉ “ngồi chơi xơi nước”. Dù đã được ngành chuyên môn hướng dẫn, phổ biến nội dung về công tác phòng, chống lụt bão, giúp người dân nâng cao nhận thức và trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn trước khi ra khơi, nhưng nhận thức được phương tiện đánh bắt của mình nhỏ, nên để đảm bảo an toàn, chỉ còn cách là chạy vô bờ ẩn nấp khi thời tiết chuyển biến xấu.

Không phải theo quán tính mà các ngư dân cũng sợ trước sự “giận dữ” của “mẹ” thiên nhiên. Vì thực tế cho thấy, theo báo cáo của UBND xã, trong 2 năm qua, đã có 4 phương tiện đánh bắt gần bờ không may bị chìm trong khi đang đánh bắt. Tuy vậy, khi chuyển sang làm nghề này, nhiều hộ gia đình có phần đỡ vất vả hơn, có tiền cất được nhà kiên cố, con cái có điều kiện đến trường.

Anh Đỗ Hoàng Nam (ấp Kinh Hòn Mới) tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt.

Ngồi nhẫm lại các hộ trên địa bàn ấp, Phó Bí thư Chi bộ ấp Kinh Hòn, ông Lê Thế Tạo cho biết: “Toàn ấp có 315 hộ, hiện chỉ còn có 3 hộ nghèo và không có hộ cận nghèo”. Ông Tạo nhớ lại cách đây 5 năm, số hộ nghèo của ấp đến 33 hộ, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nhờ bà con chí thú làm ăn nên tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Ấp Kinh Hòn là ấp có số hộ hành nghề cào ruốc, đẩy cá cơm đông nhất của xã, có tới hơn 120 hộ, phương tiện có công suất từ 15 – 60CV. Với công suất này, các phương tiện chỉ làm chủ được trong các tuyến kênh thủy nội địa, còn khi ra khơi đánh bắt thì phương tiện vô cùng nhỏ so với sự rộng lớn của biển cả và sẽ dễ gặp sự cố khi có sóng to hoặc thời tiết thay đổi bất ngờ. Ai cũng thắc mắc vì sao cái nghề “cá cược mạng sống” này được các anh “mê” đến vậy?. “Không có nghề nào là không nguy hiểm, nhưng nghiệp là vậy nên phải đeo, đôi khi cũng mệt mỏi muốn nghỉ ngơi nhưng đâu có được, vì ngày làm tháng ăn mà, rủi nghỉ rồi, những chuyến biển sau không trúng thì làm sao”, anh Nam phân trần.

Bàn về câu chuyện chuyển đổi nghề trong thời gian tới, các anh có suy tư, nhưng tuyệt nhiên không ai muốn chuyển. Anh Tâm cho biết, nếu Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn đóng phương tiện khai thác xa bờ thì anh không dám vay vì bản thân không có kinh nghiệm trong việc đánh bắt xa bờ, sợ bị thua lỗ, sợ bị ôm nợ. Còn anh Nam thì chắc nịch: “Tôi không muốn chuyển đổi vì cuộc đời tôi đã gắn liền với biển, nếu rời biển tôi không biết sống sao. Giờ tôi chỉ hy vọng thời gian tới tỉnh cho các phương tiện đánh bắt gần bờ như chúng tôi được đăng ký, đăng kiểm để chúng tôi khai thác gần bờ. Tuyệt nhiên chúng tôi cam kết chỉ hành nghề đúng theo quy định, không khai thác trái phép làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản”.

Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nghề đánh bắt thủy sản gần bờ này đã có từ rất lâu và có những hộ hành nghề theo kiểu cha truyền con nối, nên giờ muốn chuyển đổi ngành nghề cho các phương tiện này không phải một sớm một chiều. Hiện xã cũng đang rà soát lại từng hộ xem nhu cầu thực tế để có báo cáo trình lên cấp trên”.

Vấn đề chuyển đổi ngành nghề cho các phương tiện khai thác thủy sản gần bờ đã có quy định từ rất lâu và tỉnh cũng đã có chỉ đạo cho từng địa phương xem xét để có những kế hoạch cụ thể, nhưng hiện nay chưa có địa phương nào thực hiện nghiêm và đúng vấn đề này. Hầu hết chỉ mới dừng lại ở khâu rà soát, báo cáo. Tin rằng, nếu có lộ trình chuyển đổi hợp lý thì người dân sẽ đồng tình rất cao, dù đó là nghề cha truyền con nối, nhưng khi có việc làm khác tốt hơn, có thu nhập ổn định hơn thì họ sẽ đồng thuận.

Chúng tôi chia tay những ngư dân Khánh Bình Tây. Ngoài kia, nắng đã lên cao, các đoàn thuyền nối đuôi nhau đi về hướng biển, hứa hẹn một ngày đánh bắt thuận lợi.

Liên quan đến vấn đề khai thác thủy sản gần bờ, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các sở, ngành, địa phương: Tạm thời cho phép các phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, được chính quyền địa phương xác nhận có nhu cầu, khai thác thủy sản là nghề chính, phương tiện đảm bảo điều kiện an toàn theo quy định, được phép hoạt động khai thác nghề ruốc trong mùa vụ năm 2020.

Giao UBND huyện Trần Văn Thời phối hợp với Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng, các cơ quan chuyên môn có liên quan của Sở NN&PTNT tổ chức họp dân để tuyên truyền cho nhân dân hiểu các quy định của pháp luật có liên quan. Trong đó, tập trung hướng dẫn cho nhân dân hiểu các quy định về đăng ký phương tiện, về đăng kiểm phương tiện, về cấp giấy phép khai thác thủy sản… Giao Sở NN&PTNT hướng dẫn UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo UBND xã Khánh Bình Tây thống kê, phân loại phương tiện, nghề khai thác, nghề nghiệp chủ phương tiện đối với phương tiện chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản. Qua đó, xác định số phương tiện đủ điều kiện tham gia khai thác nghề ruốc trong mùa vụ năm 2020.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT thống nhất hướng dẫn thủ tục tạm thời để quản lý các phương tiện nói trên để các lực lượng chức năng kiểm soát tốt trong quá trình khai thác.

Các phương tiện trong tỉnh chủ động phối hợp các ngành chức năng xem xét tình hình thực tế. Nếu ngư dân có nhu cầu khai thác ruốc trong năm 2020 thì chỉ đạo giải quyết theo phương án nói trên.

Sau năm 2020, việc quản lý đăng ký, đăng kiểm cấp phép khai thác thủy sản phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *