Đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi heo khi tái đàn

Năm 2019, tổng đàn heo của tỉnh có 100.860 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 17.150 tấn. Thiệt hại do bệnh DTHCP xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm giảm khoảng 12% tổng đàn so với cùng kỳ năm 2018.

Từ ngày 29/5/2019 đến 27/3/2020, bệnh DTHCP đã xảy ra ở 85 xã với số heo tiêu hủy 11.595 con, tổng trọng lượng hơn 746 tấn. Từ ngày 27/3 đến nay, có 85 xã đã qua 30 ngày không phát sinh thêm dịch bệnh.

Tỉnh sẽ hỗ trợ mua 500 con heo nái hậu bị sinh sản (dưới 20kg) cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh.

Do tác động của bệnh DTHCP nên giá heo hơi ngày càng giảm thấp, người chăn nuôi liên tục thua lỗ do phải xuất chuồng sớm để phòng ngừa dịch bệnh xảy ra, không có khả năng duy trì sản xuất. Rất nhiều hộ đã phải bỏ trống chuồng hoặc chuyển sang mô hình chăn nuôi gia cầm và thủy sản.

Theo kế hoạch tái đàn chăn nuôi, Ban Chỉ đạo đề ra giải pháp tổ chức bố trí lại khu vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, không thực hiện chăn nuôi trong khu vực nội thành của thành phố, thị trấn và khu dân cư theo đúng theo quy định hiện hành. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, đến địa điểm xây dựng mới phù hợp.

Quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung được định hướng tại các vùng ngọt hóa của hai huyện Trần Văn Thời và U Minh. Các trang trại chăn nuôi heo tập trung, các hộ chăn nuôi tái đàn trong và ngoài vùng chăn nuôi tập trung phải đảm bảo các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) và phải được cơ quan quản lý về thú y, chính quyền địa phương kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi ATSH để tái đàn.

Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ mua con giống cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh, được dự trù là 9,3 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các địa phương, sở, ngành phản ảnh về nhiều khó khăn trong quá trình phòng, chống bệnh DTHCP như: cơ sở gặp khó trong việc nắm tổng đàn, vì số lượng luôn biến động; các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch thay đổi liên tục nên khó cập nhật thực hiện; chế độ hỗ trợ cho cán bộ tham gia chống dịch chưa có quy định cụ thể…

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhìn nhận công tác tham mưu, hướng dẫn của ngành chuyên môn, công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương đôi lúc chưa kịp thời; còn bị động trong công tác phòng, chống dịch…

Theo đó cần rút kinh nghiệm, nên chủ động quản lý chặt chẽ đối tượng cần quản lý, thì khi có tình huống xảy ra mới phản ứng nhanh và kịp thời; trong công tác phòng, chống dịch cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cần linh hoạt hơn trong quá trình chỉ đạo.

Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu ngành chức năng khẩn trương xây dựng Kế hoạch tái đàn heo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú ý làm rõ vấn đề quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, đảm bảo ATSH đối với chăn nuôi quy mô nhỏ và quy mô hộ gia đình, đảm bảo ATSH và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở giết mổ, mua bán, phân phối sản phẩm gia súc…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *