Đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI

Cà Mau tập trung và quyết tâm trong thực hiện các dự án từ nguồn đầu tư công, nhất là các công trình ứng phó thiên tai, đặc biệt là kè hộ đê ven sông, ven biển.

Phiên họp lần này còn đi vào trọng tâm công tác giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính, tình hình thực hiện công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các địa phương, đơn vị.

Phát biểu tại phiên họp, ông Lê Quân yêu cầu các ngành, địa phương quan tâm hơn nữa công tác đảm bảo tốt nhất các điều kiện cho sự kiện trọng đại của tỉnh, đó là Đại hội đại biểu tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Giá trị giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 9 tăng thêm 400 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 8/2020, đưa tỷ lệ giải ngân từ 54,3% lên 64,2%. Tuy nhiên, hiện còn 12 dự án còn vướng khâu giải phóng mặt bằng, vẫn là dự án kè cấp bách tại Tân Thuận; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Khánh Hội; đầu tư nâng cấp đê biển Tây…

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung vào các vấn đề liên quan đến giải ngân đầu tư công; chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó mùa khô 2020 – 2021. Cùng với việc tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính, ông Lê Quân cho rằng thời gian qua công tác thu hút đầu tư của địa phương còn nhiều hạn chế, chưa chủ động hơn…

Giá trị giải ngân vốn đầu tư công có tiến bộ (đạt 64,2%), tuy nhiên chưa đạt theo yêu cầu (75%). Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đến ngày 15/10/2020, không còn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công tại các Sở, ngành, địa phương.

Đang lấy lại đà tăng trưởng

Kinh tế thủy sản và sản xuất công nghiệp vẫn và ngành hàng chủ yếu, tạo nền tảng và động lực rất lớn, thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương tăng tốc, lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và đại hạn.

Thông tin tại Phiên họp, ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, nuôi tôm tôm siêu thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến trong tháng 9 tiếp tục tăng về diện tích, đưa sản lượng con tôm nuôi từ đầu năm đến nay đạt 143.144 tấn, bằng 71,6% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ, góp phần đưa tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đến nay đạt 262.100 tấn, bằng 72,8% kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ.

Từ nguồn nguyên liệu dồi dào trên, các nhà máy chế biến thủy sản của tỉnh đã tăng công suất hoạt động với sản lượng tôm chế biến 9 tháng qua đạt 90.262 tấn, bằng 61,2% kế hoạch, tăng 9% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, các doanh nghiệp tăng cường kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, trong đó, đáng kể nhất là từ khi Hiệp định E.VFTA bắt đầu có hiệu lực, xuất khẩu vào thị trường châu Âu tăng cao (236,7%). Ngoài ra, xuất khẩu vào một số thị trường khác tăng trưởng khá: Canada tăng 45,2%, Úc tăng 41,4%, Hàn Quốc tăng 14,2%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn vẫn giảm mạnh: Mỹ giảm 47,4%, Trung Quốc giảm 36,2%…

Hoạt động tại Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm đã đi vào ổn định sau bảo dưỡng định kỳ nên sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với tháng trước, cụ thể: Khí thương phẩm đạt 158 triệu m³, tăng 41%; điện sản xuất đạt 518 triệu kWh, tăng 34,2%. Lĩnh vực sản xuất phân đạm vẫn tiếp tục tăng trưởng đáng kể khi tháng qua sản lượng đạt 68.191 tấn, tăng 23,3% so với tháng trước, đưa sản lượng 9 tháng qua đạt 679.910 tấn, bằng 85% kế hoạch, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Theo đó, kéo chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 13,2% so với tháng trước, tăng 30,9% so với cùng kỳ, đưa chỉ số này trong 9 tháng qua tăng 1,8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 3,7% so với cùng kỳ và trong tháng phát sinh 9 dự án đầu tư mới; thu ngân sách đạt khá so với kế hoạch (80,7%) và tăng 10,8% so với cùng kỳ; an sinh xã hội được đảm bảo; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ… là những điểm sáng trong tháng, tạo niềm tin và sức bật cho những tháng cuối năm.

Chủ động giữ ngọt, ứng phó mùa khô

Tuy nhiên, theo đánh giá, một số lĩnh vực vẫn còn khó khăn: Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến nhưng chỉ đạt 64,3% kế hoạch, thấp so với mục tiêu đề ra (75%); hoạt động xuất khẩu chưa cải thiện nhiều, lũy kế chỉ đạt 58,4% kế hoạch; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp; thiên tai gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân; sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tuy được phục hồi nhưng vẫn đạt thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ; thu hút du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lượng khách và doanh thu du lịch đạt thấp so với kế hoạch và giảm mạnh so với cùng kỳ…

Tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh nói riêng diễn biến ngày càng bất thường, không theo quy luật. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra hơn 7 loại hình thiên tai, nghiêm trọng nhất là đợt hạn hán diễn ra hồi đầu năm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân và các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 28/9/2020, tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 827 tỷ đồng (800 tỷ đồng do hạn hán).

Trong 12 nhóm vấn đề tập trung thực hiện trong tháng 10 và những tháng còn lại của năm, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng Kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021; rà soát củng cố hệ thống công trình thủy lợi, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giữ ngọt, chống xâm nhập mặn; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh.

Chủ động trong tích trữ nước ứng phó mùa khô 2020 – 2021 phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nhất là không để một người dân nào thiếu nước ngọt trong mùa khô.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về những nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện “mục tiêu kép”; tập trung đẩy mạnh việc xử lý thông tin sai sự thật, tin giả, tin tức chưa được kiểm chứng trên không gian mạng. Đi cùng với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Thực hiện việc kiểm tra định kỳ công tác cải cách hành chính tại Sở Tài chính, huyện U Minh, huyện Ngọc Hiển và kiểm tra đột xuất đối với 13 đơn vị cấp xã đã ghi nhận một số nội dung: Nhiều công chức vắng mặt tại thời điểm kiểm tra; vẫn còn tình trạng người dân đến nộp hồ sơ nhưng không có công chức tiếp nhận, thời gian giải quyết đối với một số thủ tục đơn giản còn dài; hầu hết công chức khi hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục hành chính không sử dụng “Phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ” theo quy định…

Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được xử lý ngay từ cấp cơ sở, không để phát sinh điểm nóng và khiếu kiện vượt cấp, nhất là trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đại biểu tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *