Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt tại các xã nông thôn mới

Hỗ trợ bồn trữ nước sinh hoạt cho bà con nghèo trên địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh.

Nhờ đó, năm nay, dù phải đối mặt với nắng hạn gay gắt, nhưng cơ bản tại các xã NTM vẫn đảm bảo duy trì tiêu chí nước sạch, hợp vệ sinh cho bà con. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tại các xã với điều kiện địa hình đặc thù (khoan giếng nước nhưng không tìm được nguồn nước ngọt) thuộc một số xã thuộc lâm phần rừng tràm vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định…

Xã Tân Bằng và Biển Bạch (huyện Thới Bình) đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2017. Trước đó, 2 xã này được xem là “điểm nóng” và cấp thiết nhất trong tỉnh về tình trạng thiếu nước sạch, nước sinh hoạt kéo dài nhiều năm, nhất là vào mùa khô. NTM mang lại nhiều thay đổi, có lẽ niềm vui lớn nhất của hơn 2.300 hộ dân trên địa bàn 2 xã là được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ Trạm Cấp nước tại xã Tân Bằng (hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 4/2017, với mức đầu tư 30,5 tỷ đồng).

Thông tin từ lãnh đạo địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Bằng – Lê Hoàng Kiếm: “Năm 2017, khi xã đạt chuẩn NTM thực sự là niềm vinh dự, tự hào rất lớn đối với Đảng bộ và toàn thể nhân dân. Trên cả niềm vui đó là việc xã đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sạch, giấc mơ từ lâu trong tâm thức người dân. Trong quá trình triển khai sử dụng, qua thời gian, các công trình có biểu hiện xuống cấp, hư hỏng, song địa phương kịp thời tham mưu kiến nghị lên cấp trên xử lý kịp thời, đáp ứng nhu cầu cho bà con”.

Gia đình bà Trần Thị Mỹ (Ấp 15) là một trong 2 hộ trên tuyến này may mắn khoan được giếng nước ngọt, bà đã chia sẻ để bà con trên tuyến cùng sử dụng.

Tại xã Khánh An (huyện U Minh), bên cạnh những thuận lợi nhất định từ các công trình nước sạch, nước hợp vệ sinh được đầu tư để đảm bảo đạt tiêu chí 17.1 trong 19 tiêu chí NTM đã góp phần phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con thì hiện nay, đang mùa khô hạn, tại một số tuyến trên địa bàn xã gặp khó khăn về nước ngọt. Nguyên nhân chính là do đặc thù địa hình nơi đây nhiễm phèn, cho nên dù chính quyền địa phương, cũng như mạnh thường quân, người dân chủ động đầu tư khoan giếng nước ngầm tốn hàng chục triệu đồng vẫn không tìm được nguồn nước ngọt.

Anh Phạm Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết: “Bên cạnh những thuận lợi nhất định từ các công trình nước sạch được đầu tư, từ ảnh hưởng của nắng nóng, khô hạn kéo dài, một số tuyến trên địa bàn xã, nhất là nơi không khoan được giếng nước, cuộc sống người dân gặp khó khăn do lượng nước dự trữ trong dân đã cạn, phải đổi nước sinh hoạt. Hiện tại, toàn xã có khoảng 275 hộ khó khăn về nước sinh hoạt, tập trung tại một số tuyến thuộc Ấp 14 – Ấp 17”.

Năm 2001, gia đình bà Trần Thị Mỹ (Ấp 15) là một trong 2 hộ trên tuyến này may mắn khoan được giếng nước ngọt. Thấy bà con trên tuyến gặp khó khăn, tốn kém chi phí đổi nước sử dụng trong sinh hoạt, gia đình bà đã chia sẻ cùng bà con, cho họ sử dụng nước miễn phí, hoặc đổi với giá rẻ để phụ gia đình trả tiền điện bơm nước. Nhờ đó, bà con cũng đỡ phần nào khó khăn.

Nông dân xã Khánh Lâm sử dụng nước nối mạng phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt.

Tại các xã NTM thuộc vùng mặn, địa bàn huyện Ngọc Hiển, tình hình nước phục vụ sinh hoạt cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân, bởi hầu hết người dân đã chủ động trữ nước, hoặc trang bị giếng khoan phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gia đình.

Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây – Lê Minh Thùy cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn xã có 2.158 hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đạt 100%; cùng với 3 công trình nước sạch được đầu tư phục vụ cho 554 hộ dân. Bên cạnh đó, với sự quan tâm của cấp trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã kết hợp cùng địa phương hỗ trợ bồn trữ nước cho hộ nghèo, cận nghèo, hội viên phụ nữ…”.

Qua 15 năm thực hiện Chương trình tín dụng Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cà Mau đã cho trên 96.590 lượt hộ vay vốn với doanh số cho vay 897.567 triệu đồng, xây dựng 553.277 công trình; trong đó: 339.401 công trình nước sạch, 213.876 công trình vệ sinh. Nguồn vốn  tín dụng chính sách đã góp phần tăng tỷ lệ hộ có công trình nước sạch và vệ sinh môi trường tại nông thôn hàng năm tăng từ 3 – 5%. Mặc dù nguồn kinh phí khó khăn nhưng tỉnh đã tranh thủ từ rất nhiều nguồn đầu tư thực hiện hơn 239 công trình cấp nước phục vụ người dân. Nỗ lực này đã góp phần giúp hơn 92% hộ dân có nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt; trong đó tỷ lệ hộ dân được sử dụng từ công trình cấp nước tập trung là 18%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước riêng lẻ hộ gia đình là 74%.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *