Đậm đà hương vị canh chua bần nấu đầu cá ngát

Bần ổi và bần sẻ cùng các loại rau nấu canh chua.

Về vùng Năm Căn, Đất Mũi, Đầm Dơi và các địa phương ven biển Tây Cà Mau, đâu đâu cũng bắt gặp ngư dân đi câu và giăng lưới cá ngát.

Cá ngát là loài cá di trú, có thời gian sống ở các vùng nước mặn ven biển và một thời gian di cư vào sông, đầm để sinh sản. Thịt cá vừa dai vừa ngọt, rất ngon và bổ dưỡng.

Một trong những món ăn dân dã nhưng ngon có tiếng, được dân Cà Mau ưa thích là cá ngát nấu canh chua với trái bần (trái bần ổi hay bần sẻ đều rất thơm ngon). Nhiều người bông đùa: Con cá ngát mà đem nấu chua bần, ăn no bụng đến quên thôi.

Bần được chế biến thành rất nhiều món nhưng ngon nhất vẫn là canh chua bần (lẩu bần). Những trái bần được rửa sạch, cho vào nồi nước sôi vài phút, trái bần mềm, sau đó dầm nát, lược bỏ hạt và vỏ để lấy nước dùng. Khác với vị chua của me hay trái giác, vị chua của trái bần rất thanh và dịu. Chỉ cần nêm vào ít muối, bột nêm, một ít đường, vài lát ớt chín đỏ và một chút nước mắm là được.

Canh chua bần có thể nấu với cá rô, cá lóc, nhưng ngon nhất là nấu với đầu cá ngát.

Canh chua bần có thể nấu với rau the, bông súng, bông bí, điên điển, rau muống, bắp chuối, tùy theo khẩu vị, có thể thêm cà chua, bạc hà, đậu bắp, bông so đũa… Rau nêm ngoài lá quế, ngò om, tần dày lá, còn có thêm sả, ớt. Cá nấu canh chua bần có thể là cá rô, cá lóc nhưng ngon nhất vẫn là nấu với đầu cá ngát.

Cá ngát làm sạch và cắt khúc đầu, để ráo. Bắc nước cốt bần lên bếp nêm chút muối, khi nước sôi, cho cá ngát vào, chừng vài phút là cá chín, vớt bọt, nêm nếm gia vị, bỏ rau vào và cuối cùng thêm tỏi phi vàng, ngò om, tần dày lá, một chút ớt cho nồi canh dậy mùi…

Để nồi canh chua giữ được hương vị thơm ngon của trái bần, không nên nấu chung với khóm, giá, vì 2 loại này làm mất đi hương vị của trái bần. Canh chua cá ngát nấu với trái bần có thể ăn với cơm nóng hoặc bún tươi đều ngon. Nước chấm có thể là muối ớt hoặc nước mắm nguyên chất dằm ớt. Một tô canh chua đầu cá ngát nấu bần, thêm vài khứa cá ngát kho tộ sẽ khiến bạn khó cầm lòng trước bữa ăn dân dã của miền sông nước Cà Mau.

Lẩu chua cá ngát nấu bần.

Cây bần còn có tên là cây thủy liễu. Bần có hai loại, đó là bần ổi và bần sẻ, mọc tự nhiên nhiều trên đất mặn và lợ, nhất là vùng ven biển, nhiều phù sa. Cùng với cây mắm, bần sẻ cũng là loài cây tiên phong giữ đất trước sự xâm lấn của sóng biển. Bần mọc đến đâu đất đai bền vững đến đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *