Đầm Dơi: Người nuôi tôm phấn khởi

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng (bìa trái), cùng lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện tham quan mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Trần Văn Việt.

Nếu như những tháng cuối năm 2015, tình hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN), tôm quảng canh truyền thống của người dân trên địa bàn huyện Đầm Dơi gặp nhiều khó khăn, thua lỗ, diện tích đầm tôm công nghiệp “treo” khá lớn, thì bước sang năm 2016, người dân bắt tay đầu tư cải tạo ao đầm, vuông tôm thả giống, tôm nuôi phát triển tốt, cho năng suất khá. Tính đến nay, diện tích NTCN tăng trên 5,4ha, nâng tổng diện tích NTCN toàn huyện hơn 2.936ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến là 33.210ha.

Diện mạo nông thôn mới ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng.

Ông Nguyễn Quốc Thống, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Từ đầu năm đến nay, tình hình nuôi trồng thủy sản của huyện tương đối ổn định. Các loại hình nuôi: Quảng canh cải tiến, quảng canh truyền thống, tôm – rừng, tôm kết hợp các loài thủy sản khác (cua, cá, sò…) đạt khá. Hiện nay, bà con đang đầu tư cải tạo chuẩn bị vụ NTCN mới. Đặc biệt, thời gian qua, huyện có khoảng 10ha tôm công nghiệp nuôi bằng phương pháp trải bạt – mô hình nuôi với công nghệ cao, đạt năng suất trên 10 tấn/ha”.

Mô hình tôm – cua – rừng của ông Nguyễn Trường Giang cho lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm.

Nông dân ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng chuẩn bị ao đầm cho vụ tôm công nghiệp.

Ghi nhận ở xã Thanh Tùng, ông Lê Thanh Pho – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết địa phương có 86,49ha NTCN, bà con đang cải tạo, chuẩn bị cho vụ mới. Trong số đó, có hộ đã và đang thu hoạch, hiện tôm nguyên liệu được giá nên lợi nhuận của bà con cao hơn. Bà Nguyễn Kim Em (ấp Tân Điền B) phấn khởi: “2 tháng trước, tôi thu hoạch 2 đầm tôm công nghiệp, nhờ tôm đạt đầu con nên lợi nhuận trên 100 triệu đồng”.

Từ đầu năm đến nay, anh Từ Văn Tội (ấp Ngã Bát, xã Trần Phán) trúng liền 2 vụ tôm công nghiệp, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng; anh cho biết: “Không riêng tôi mà có rất nhiều hộ NTCN ở địa phương đạt hiệu quả. Khoảng 2 tháng gần đây, ấp có trên chục hộ nuôi đều có lợi nhuận khá sau thu hoạch”. Ông Trần Văn Việt (ấp Tân Thành A) vốn là hộ NTCN (ao đất) nổi tiếng tại xã Tân Dân; ngay từ những năm mới chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ông đã bắt tay NTCN, với kinh nghiệm có được, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp ông thành công với mô hình này trong nhiều năm liền.

Bên cạnh các hộ NTCN hiệu quả, một bộ phận hộ nuôi tôm theo hình thức truyền thống, tôm – rừng cũng đạt lợi nhuận khá cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Trường Giang (ấp Tân Thành, xã Tân Tiến) lãi trên 400 triệu đồng/năm. Ông Giang cho biết: “Với 6ha đất, hơn mười năm nay, tôi thực hiện mô hình trồng rừng đước kết hợp nuôi tôm, cua, cá. Với cách tận dụng lá đước, nhánh đước thả xuống vuông tôm, góp phần cải thiện môi trường nước trong vuông tôm và làm nơi tôm cá trú ngụ, mà nhiều năm qua các vụ nuôi cho lợi nhuận ổn định, không bị thất thu”.

Ông Nguyễn Quốc Thống: “Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bên cạnh mô hình NTCN mang lại tín hiệu vui cho bà con, thì hiện nay trên địa bàn huyện cũng đang nổi lên một số mô hình nuôi mang lại hiệu quả: Nuôi tôm, sò huyết kết hợp trồng rừng; tôm – cua; NTCN kết hợp nuôi cá phi; nuôi cá sấu; mô hình nuôi lươn không bùn… Nông dân đã chủ động chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để áp dụng một cách phù hợp và hiệu quả”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *