Đầm Dơi: Những mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định

Hiện huyện có hơn 1.300ha, hơn 2.300 hộ nuôi tôm thâm canh; có 1.171 hộ, 953ha nuôi tôm siêu thâm canh (STC). So với trước đây, diện tích nuôi tôm STC phát triển khá nhanh vì hiệu quả kinh tế đem lại tương đối cao, bình quân đạt 20 tấn/ha/vụ. Trước đây, ông Hà Văn Út (ấp Tân Thành B, xã Tạ An Khương Nam) đã chuyển nuôi tôm từ truyền thống sang nuôi thâm canh, nhưng do hiệu quả đem lại không cao, nên ông chuyển sang nuôi STC. Với 1,5ha, ông đào 3 ao nuôi tôm, năm 2018 thu hoạch 3 lần, 20 tấn tôm, sau khi trừ chi phí còn lãi 700 triệu đồng. Mới đây ông thả 200.000 con giống, tôm đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho thu hoạch cao.

Thời gian gần đây nhiều nông dân đã chủ động thực hiện hiệu quả mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, nhằm kiểm soát được nguồn tôm giống thả vào vuông nuôi. Ông Nguyễn Văn Lợi (ấp Hiệp Hòa Tây, xã Ngọc Chánh) xây dựng bể ương có diện tích 80m2, chiều cao 1,2m, vào cuối năm 2018. Ông Lợi thả 80.000 con sú giống, mật độ 1.000 con/m2, sau 24 ngày nuôi tôm đạt 800 con/m2, tỷ lệ thành công đạt trên 85%. Với kết quả trên, năm 2019, bình quân mỗi tháng ông vèo tôm 1 lần, 300.000 con tôm giống, khoảng 20 ngày, sống 260.000 ngàn con, đạt 87%. Sau đó ông thả ra vuông nuôi khoảng 30.000 con. Mỗi con nước xổ từ 7 – 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, số tôm giống còn lại ông bán cho người dân xung quanh, cũng lãi hơn 5 triệu đồng/tháng.

Ông Phạm Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh, cho biết: “Hiện nay, nhiều nông dân xã Ngọc Chánh đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Khi tôm giống thả xuống đã lớn nên hạn chế được các loài cá khác ăn, tỷ lệ đạt đầu con cao. Xã sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện mô hình này, nhằm phát triển kinh tế tốt hơn”.

Ông Dương Văn Hùng (bìa phải), ở ấp Tân Thới, xã Tạ An Khương Đông, kiểm tra cá bống tượng.

Do phù sa nhiều nên nhiều hộ dân ở xã Quách Phẩm còn mạnh dạn đầu tư kết hợp nuôi tôm và sò huyết xen canh, bước đầu đã đem lại hiệu quả cao. Hơn 10 năm nuôi sò huyết trong vuông tôm, với diện tích 5.000m2, ông Trương Thanh Chơn (ấp Lung Trường, xã Quách Phẩm), bao ví 1 lớp lưới mành, mua giống khoảng 50 – 60.000 con, giá 5 – 10 triệu đồng. Sau đó, ông vèo lại khoảng 3 tháng, sò đạt 1.500 con, ông thả ra vuông nuôi với mật độ 400 con/m2. Nuôi khoảng 8 tháng là thu hoạch. Mỗi năm ông Chơn thả 1 vụ, sò đạt từ 1 – 2 tấn, trừ chi phí, lãi 70 – 80 triệu đồng. Với 6ha đất nuôi tôm, ông Dương Văn Hùng (ấp Tân Thới, xã Tạ An Khương Đông) quy hoạch 1ha trồng hoa màu, trồng kiểng và đào 7 ao nuôi cá. Trong đó, ông duy trì 3 ao cá bống tượng từ năm 2000 đến nay. Bên cạnh đó, ông Hùng còn trồng dừa, mỗi năm bán được 30 triệu đồng. Bình quân thu nhập mỗi năm từ 250 – 300 triệu đồng.

Nông dân Đầm Dơi không những giỏi nhân rộng các mô hình sản xuất mà còn phát huy được tính sáng tạo trong sản xuất để tìm ra những sản phẩm mới. Đơn cử như Cơ sở rập cua Kim Thành (ấp Nhà Dài, xã Quách Phẩm Bắc). Mỗi ngày cơ sở sản xuất 500 rập cua, giá 20 ngàn đồng/cái, trừ chi phí, lãi 1 ngàn đồng/cái. Ngoài ra, cơ sở còn sản xuất mỗi tháng 300 nhá tôm ăn, 100 đục bắt tôm. Thị trường tiêu thụ của cơ sở chủ yếu ở Cà Mau và Kiên Giang. Trừ chi phí, mỗi tháng cơ sở có thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Điểm mới là cơ sở tự chế khung làm rập cua bằng nhựa hơn 3 năm nay, đưa đi triển lãm nhiều nơi và được bằng sáng chế năm 2015 về rập cua Cà Mau. 20 hộ làm trước đây đều là hộ nghèo, khoảng 40 nhân khẩu, sau thời gian làm việc tại cơ sở, giờ đã thoát nghèo, vươn lên khá, mỗi hộ thu nhập từ 3,5 – 8 triệu đồng/tháng.

Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Ban Thường vụ Huyện ủy ngày 1/4/2016 về tăng cường chỉ đạo phát huy sáng kiến của cán bộ và nhân dân, tổ chức các mô hình, nâng cao hiệu quả sản xuất, trên địa bàn huyện đã có 385 mô hình sản xuất, tăng 219 mô hình so với trước khi triển khai thực hiện chỉ thị. Bình quân mỗi xã, thị trấn có 24 mô hình, vượt 4 mô hình so với chỉ thị đề ra. Trong đó, có 20 mô hình sản xuất mới và nhiều sáng kiến mới, cách làm hay được rút  kinh nghiệm và nhân rộng điển hình.

“Thời gian qua huyện có nhiều mô hình hiệu quả như nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm siêu thâm canh, mô hình nuôi sò huyết kết hợp với tôm đem lại hiệu quả khá cao. Huyện sẽ nhân rộng các mô hình hiệu quả để nhân dân áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình, phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Phương Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết thêm.

Với sự đầu tư từ Nhà nước cũng như sự sáng tạo của nông dân Đầm Dơi, tin rằng sẽ có nhiều, nhiều hơn nữa cây con mới đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp nâng cao đời sống của nhân dân Đầm Dơi thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *