“Dân vận khéo” của Công an huyện U Minh

Lực lượng Công an huyện U Minh luôn chủ động xây dựng mô hình nhằm phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ an ninh trật tự địa bàn.

Mỗi xã một mô hình

U Minh hiện có các mô hình, phong trào đang thực hiện: “Tiếng loa an ninh” tại xã Khánh Hòa; “Số điện thoại đường dây nóng về phòng chống tội phạm”, thực hiện tại các xã, thị trấn; “Cán bộ và nhân dân xã Khánh Tiến chấp hành nghiêm trật tự an toàn giao thông”; “Nhân dân Ấp 7 quyết tâm phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, ở xã Khánh Lâm. Đặc biệt, Công an huyện đã vận động các địa phương xây dựng “Cổng an toàn về an ninh trật tự (ANTT)” trên các trục đường chính, hiện đã có hơn 59 cổng ANTT ở các xã.

Mới đây, Công an huyện phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình “Khu dân cư không có tội phạm ma túy”, “Không có tội phạm về tệ nạn xã hội”. Đồng thời củng cố 8 tổ nhân dân tự quản, cảm hóa giáo dục 3 đối tượng tại Ấp 4, xã Khánh An. Phối hợp với Đội nghiệp vụ (Công an xã Khánh An) thử 13 đối tượng có nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy, phát hiện có 3 đối tượng dương tính với ma túy.

Thượng tá Nguyễn Thanh Toán, Phó trưởng Công an huyện: “Khi thực hiện các mô hình, chúng tôi phối hợp với địa phương nắm bắt tình hình tội phạm trên địa bàn, lắng nghe và tuyệt đối giữ bí mật thông tin cho người dân tham gia tố giác tội phạm. Bên cạnh đó, phối hợp vận động gia đình có đối tượng vi phạm ra đầu thú, góp phần làm dừng, làm giảm tội phạm trên địa bàn”.

Trong năm 2018, Công an huyện phối hợp các địa phương tổ chức 84 cuộc tuyên truyền cho trên 2.410 lượt cán bộ, nhân dân về đấu tranh phòng ngừa, tố giác tội phạm. Qua đó, nhận được 163 nguồn tin từ người dân cung cấp, triệt xóa 34 tụ điểm tệ nạn xã hội liên quan đến 164 đối tượng.

Qua công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, tuyên truyền đã góp phần làm giảm các vụ trọng án, nâng cao ý thức cảnh giác trong nhân dân. Năm 2018, toàn huyện xảy ra 2 vụ trọng án liên quan đến 2 đối tượng (giảm 2 vụ và 4 đối tượng so với năm 2017); làm dừng số vụ vi phạm ma túy, đã phát hiện và xử lý 22 vụ, liên quan 28 đối tượng (giảm 6 vụ, 18 đối tượng so với cùng kỳ)…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức phòng ngừa và tố giác tội phạm trong quần chúng nhân dân.

Cần sự chung tay của toàn dân

Những mô hình khi triển khai nhận được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và nhân dân, mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, thực tế, các mô hình chưa được duy trì tốt.

Về nguyên nhân, theo Thiếu tá Trần Quốc An, Phó Đội trưởng Đội Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT, những mô hình trên do Công an huyện vận động nhân dân cùng phối hợp thực hiện, sau khi đi vào nền nếp thì đơn vị giao lại cho địa phương tiếp tục duy trì, nhưng chỉ được một thời gian thì những mô hình này quay lại điểm xuất phát, do người dân sợ đụng chạm, sợ bị trả thù cá nhân…

Điển hình như mô hình “Cán bộ và nhân dân ấp phòng chống tội phạm và giữ vững ANTT” triển khai tại xã Khánh Thuận hơn 3 năm, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, xã cũng chỉ có duy nhất 1 ấp thành công với mô hình này là Ấp 17. Từ khi thực hiện, mô hình ấp đã giảm đáng kể về tình hình ANTT và tội phạm. Anh Trần Vũ Đà, Phó trưởng Công an xã, cho biết: “Trước đây, tình hình ANTT trên địa bàn ấp có bất ổn, nhất là tội phạm dùng xung điện bắt trộm cá của bà con. Qua đấu tranh tố giác, tình trạng này đã giảm đáng kể. Hiện trên địa bàn không còn đối tượng lợi dụng sơ hở của người dân để vi phạm nữa”.

An ninh trật tự đảm bảo, người dân yên tâm lao động sản xuất.

Hiệu quả là thế, nhưng hiện nhiều địa phương đang gặp khó trong việc nhân rộng mô hình. Thiếu tá Trần Quốc An chia sẻ: “Do ý thức của bà con còn hạn chế, công tác tự phòng, tự quản chưa cao. Vì vậy, các loại tội phạm lợi dụng vùng giáp ranh giữa các xóm, ấp với các xã lân cận để phạm tội”. Điển hình như vụ xảy ra vào tháng 12/2018, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh bắt quả tang 31 đối tượng đá gà ăn tiền tại Ấp 10, xã Khánh Thuận. Do đây là điểm giáp ranh giữa 2 tỉnh Cà Mau – Kiên Giang, nếu bị vây bắt thì các đối tượng dễ dàng tẩu thoát qua tỉnh bạn. Do bà con biết nhưng ngại tố giác, nên vụ việc diễn ra khá lâu, lực lượng chức năng phải theo dõi mới triệt phá được.

Nhân rộng mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở. Ngoài nỗ lực của ngành chức năng thì người dân đóng vai trò quan trọng, cần chung tay góp sức để phong trào bảo vệ ANTT cũng như những mô hình “Dân vận khéo” ngày càng bền vững, đi vào chiều sâu, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *