Đằng sau những công trình xây dựng không phép, trái phép…

Quán cà phê Trúc Xanh 2 (địa chỉ tại Khóm 2, Phường 9, TP. Cà Mau) buộc phải tháo dỡ vì không có giấy phép và xây dựng trên phần đất đã bị thu hồi trước đó.

Công tác quản lý trật tự xây dựng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch, quản lý đất đai; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân… Vì vậy, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, với cái nhìn tổng thể cũng như khách quan từ thực tế đã qua cho thấy, công tác quản lý trật tự xây dựng còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Tại TP. Cà Mau, tình trạng xây dựng không phép, sai phép, hình thành những khu nhà ở, hẻm tự phát không phù hợp quy hoạch đang có nhiều diễn biến phức tạp, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Để xảy ra những tồn tại, yếu kém trên, nguyên nhân có thể là do công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa thường xuyên; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị còn nhiều bất cập, chưa theo kịp nhu cầu xây dựng thực tế; chất lượng cấp phép xây dựng chưa cao. Khi xảy ra vi phạm, các cơ quan chức năng chưa kịp thời xử lý, hoặc xử lý không kiên quyết, triệt để, còn xảy ra tình trạng “phạt, cho tồn tại”; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ… Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật xây dựng của các chủ đầu tư, chủ công trình còn yếu, thậm chí biết là sai, song vẫn cố tình vi phạm.

Điều đáng nói ở đây chính là công tác quản lý yếu kém, dẫn đến tình trạng này diễn ra nhưng chậm khắc phục.

Trước tình trạng san lấp, phân lô bán nền, xây dựng nhà không phép, trái phép diễn ra phức tạp trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng, trong đó nhấn mạnh địa phương phải giám sát chặt chẽ và có biện pháp ngăn chặn kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân tự ý san lấp mặt bằng để sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cấp điện, cấp nước sinh hoạt phối hợp với UBND phường, xã để kiểm tra, rà soát lại điều kiện cấp các dịch vụ thiết yếu cho các hộ gia đình phải theo đúng quy định; nghiêm cấm việc lắp đặt điện, nước cho các hộ gia đình xây dựng không đúng theo quy định và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Sự yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý, nắm địa bàn thể hiện khá rõ, từ việc các vi phạm thường không ở những nơi hẻo lánh, mà xuất hiện tại các thửa đất nằm trên mặt tiền các trục đường chính. Trước tình trạng trên, dư luận đặt ra câu hỏi: Đó là hệ quả của việc cơ quan chức năng quản lý địa bàn yếu kém, hay do địa phương buông lỏng quản lý? Thậm chí nghi vấn có hay không chuyện “bảo kê” của chính quyền địa phương cho các công trình nêu trên? Bởi lẽ, những công trình thời gian qua bị cưỡng chế hoặc trong giai đoạn chờ cưỡng chế đều nằm ở vị trí trung tâm, có những địa điểm cách UBND phường chỉ vài bước chân, vì thế các cơ quan chức năng không thể không biết.

Vào những ngày cuối tháng 2 vừa qua, quán cà phê Trúc Xanh 2 (địa chỉ tại Khóm 2, Phường 9, TP. Cà Mau) buộc phải tháo dỡ theo quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND TP. Cà Mau. Quán cà phê Trúc Xanh 2 do bà Trần Thị Phương Mai (sinh năm 1977, ngụ Khóm 7, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) dựng lên khi không có giấy phép xây dựng. Thêm vào đó, quán cà phê này được xây dựng trên phần đất đã bị thu hồi trước đó. Công trình này hoàn thành và đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Gần đây là vụ việc xảy ra trên địa bàn Phường 9 cũng gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Công trình vi phạm nằm đối diện với UBND Phường 9, một công trình tự phát của dân đã được xây dựng, hình thành và đưa vào sử dụng trong thời gian dài nhưng đến nay chính quyền sở tại vẫn đang loay hoay với các trình tự, thủ tục cưỡng chế. Cụ thể, công trình xây dựng không phép này nằm trên địa bàn Khóm 4, Phường 9, ngay mặt tiền đường Nguyễn Trãi. Người vi phạm là ông Trần Hải Âu (sinh năm 1977), nơi ở hiện tại Khóm 3, Phường 7, TP. Cà Mau.

Theo UBND Phường 9, qua quá trình kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh, phát hiện ông Trần Hải Âu đã có hành vi xây dựng 2 công trình nhà ở đô thị không giấy phép xây dựng, dùng làm nơi chứa các vật tư phục vụ hoạt động kinh doanh của gia đình.

Trước sự việc trên, dư luận lại một lần nữa đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quản lý của chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng đang làm gì, ở đâu, và vì sao với một lực lượng được đánh giá là không hề mỏng như tổ dân phố, khu phố, UBND phường, quản lý đô thị, thanh tra xây dựng… nhưng lại để một công trình sai phạm được xây dựng và đi vào sử dụng, để rồi phải thực hiện biện pháp cưỡng chế, buộc tháo dỡ?

Tại một diễn biến liên quan, trước đó, qua công tác kiểm tra, rà soát, cho thấy tại TP. Cà Mau hiện có hẻm tự phát dài hơn 13.000m, số nền đã mua bán là hơn 1.400 nền, trong đó số nền đã xây dựng là 1.000 căn. Để chấn chỉnh, UBND TP. Cà Mau đề xuất một số giải pháp xử lý, trong đó có phương án cưỡng chế các tuyến hẻm vi phạm không phù hợp quy hoạch theo quy định, kết hợp công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Cùng với đó, TP. Cà Mau tăng cường công tác kiểm tra, rà soát xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đơn vị xã, phường quản lý địa bàn không chặt chẽ, để phát sinh tình trạng tự phát, xây nhà trên đất chưa chuyển mục đích, xây nhà không phép.

Rõ ràng, thực trạng về các sai phạm công trình xây dựng trái phép trên địa bàn thành phố đã tồn tại từ nhiều năm nhưng không được xử lý kịp thời, đang để lại những hậu quả rất lớn, để rồi đến nay, ngành chức năng thành phố phải loay hoay sắp xếp, ổn định lại trật tự đô thị. Đây là điều khó chấp nhận.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *