Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới

Nghề làm khô bổi đặc sản góp phần giải quyết việc làm đáng kể cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho LĐNT ở huyện Trần Văn Thời đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể với UBND các xã để triển khai thực hiện. Đồng thời có những định hướng, tư vấn phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, bám sát với nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, nhu cầu đào tạo nghề, việc làm gắn với điều kiện thực tế địa phương. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: “Đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những Chương trình giảm nghèo, là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Vì thế, công tác này được huyện quan tâm đặc biệt, từ đó góp phần đáp ứng nhu cầu việc làm cho lao động trên địa bàn”.

Trong 10 năm (2010 – 2020), huyện đã tổ chức được trên 204 lớp, thu hút 10.622 nông dân học nghề, tổng kinh phí thực hiện trên 12 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2010-2015 đào tạo gần 6.500 lao động, với 22 nghề; giai đoạn 2016 – 2019 trên 4.000 lao động, với 18 nghề. Sau đào tạo, có trên 2.404 lao động làm việc theo hợp đồng; 4.143 lao động vẫn làm nghề cũ nhưng năng suất cao hơn; 1.482 lao động thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sản xuất. Ông Võ Quốc Thống, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT và đa dạng hóa các loại hình đào tạo đã tác động không nhỏ đến cách làm, cách nghĩ của nhiều nông dân. Đến nay, đã có 16 mô hình sản xuất được xếp vào nhóm có thu nhập cao và khá bền vững, với các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp: Kỹ thuậtnuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi lươn thương phẩm, nhân giống và nuôi cá sặt rằn, chăn nuôi thú y, trồng hoa màu, nấm rơm, nuôi gà nòi lai…”. 

Việc dạy nghề được tổ chức khá gần gũi với người dân, như cầm tay chỉ việc, giúp nông dân tiếp thu nhanh, hiệu quả.

Tại ấp Cơi 6A, xã Khánh Bình Tây, sau khi học các lớp dạy nghề trồng hoa màu, nấm rơm, bà con áp dụng ngay trên sân vườn, đồng ruộng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng cao; tiến đến xây dựng mô hình tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và vận động phát triển kinh tế. Từ kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học nghề, cùng với nguồn vốn nội lực (hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế), bà con cải tạo vườn tạp trồng màu, nấm rơm dưới chân ruộng; trồng màu tập trung, hợp tác bơm nước, xuống giống đồng loạt, giảm chi phí sản xuất. Ông Đoàn Văn Trung, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Cơi 6A, cho biết: “Từ các lớp dạy nghề theo nguyện vọng bà con và phù hợp với nhu cầu thực tế, chúng tôi vận động bà con tận dụng đất trống từ đất vườn, đến bờ, liếp chân ruộng trồng màu, cây ăn trái mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Đặc biệt là vụ hoa màu đón tết. Vì hiệu quả mang lại khá cao, bà con có nguyện vọng thành lập thêm các tổ hợp tác sản xuất, mỗi tổ hợp tác có từ 10 – 15 hội viên tham gia. Tham gia tổ hợp tác, các tổ viên có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tương trợ nhau về vốn, kỹ thuật, tìm ra các mô hình sản xuất phù hợp địa phương, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Nhờ đó, số hội viên khá giàu ngày càng tăng, góp phần cùng địa phương trong công tác giảm nghèo”. Riêng gia đình ông Trung, với các mô hình lúa, rau màu, nấm rơm, bình quân hằng năm thu nhập trên 150 triệu đồng.

Thông qua các lớp dạy nghề trồng hoa màu các loại, giúp tăng năng suất hiệu quả sản xuất cho bà con.

Anh Võ Khánh Hải ở ấp Cơi 6A, chia sẻ: “Thông qua các lớp dạy nghề, đã tạo ra nhiều mô hình sản xuất phù hợp, gắn với mảnh vườn thửa ruộng, bản thân cũng từ đó học hỏi, tìm tòi vươn lên. Ấp Cơi 6A hiện nay phát triển mạnh với mô hình trồng màu, cũng nhờ mô hình này mà nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ngoài trồng lúa, gia đình tôi có nguồn thu từ 20-30 triệu đồng/năm từ mô hình trồng màu”.

Bằng cách làm linh hoạt của địa phương trong công tác đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, nên thời gian qua, nhiều LĐNT trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã phát triển rất tốt nghề được học, có việc làm ổn định với thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả, góp phần hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 13,28% năm 2010 xuống còn 3,28% hiện nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *