Đào tạo nghề phải gắn với việc làm

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Chưa đạt hiệu quả

* Hiện nay, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” đã được triển khai cụ thể như thế nào trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Căn cứ Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025”; Công văn số 1676/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2019 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn triển khai Đề án và Công văn số 3839/UBND-KGVX ngày 24/5/2018 của UBND tỉnh Cà Mau về việc triển khai Đề án, Sở GD&ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh và đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt ngày 25/6/2019.

Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo và các đơn vị, trường học, Phòng GD&ĐT các huyện và        TP. Cà Mau xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả.

Có một số nguyên nhân sau: Hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn con em mình được học tiếp THPT để có cơ hội học đại học chứ không vào học giáo dục thường xuyên hay trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và không quan tâm đến năng lực học tập của con em mình. Các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, nên chưa thu hút lao động, từ đó dẫn đến không cân đối giữa đào tạo và sử dụng… Mặt khác, các trường dạy nghề chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ, hệ thống các nghề đào tạo chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường nghề không có chức năng dạy bổ túc văn hóa, nên các em không có điều kiện vừa học nghề, vừa học bổ túc để thi tốt nghiệp THPT. Ở trường phổ thông chưa có giáo viên chuyên phụ trách dạy hướng nghiệp, mà chỉ là giáo viên chủ nhiệm phụ trách, do đó việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chưa được sâu sát. Cũng vì thiếu nhân lực hướng nghiệp nên việc tư vấn cho phụ huynh, học sinh còn gặp khó khăn.

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành luôn dành sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề tại các trung tâm, trường dạy nghề. Ảnh: Bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, kiểm tra công tác dạy nghề tại Trường Cao đẳng nghề Việt – Hàn.

Để mỗi người dân đều phải hiểu, nhất là phụ huynh và học sinh

* Vậy thì trong thời gian tới, để nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông đối với các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, cần có nhiệm vụ và giải pháp như thế nào, thưa ông?

Theo Đề án, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ông Lê Thanh Liêm: Trong thời gian tới sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương tăng cường giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, để mỗi người dân đều phải hiểu, nhất là phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, phương pháp tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông và nghiên cứu có chính sách khuyến khích cho người học khi được phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp ở chế độ tuyển sinh, chế độ học bổng và học phí. Tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp và học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nội dung và chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng cần mở những mã ngành nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động, thị trường. Đào tạo nghề phải gắn với việc làm, thông qua việc hợp đồng cung ứng lao động của các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cần khuyến khích phát triển và quản lý tốt hệ thống trường nghề tư nhân. Phát triển loại hình vừa đào tạo nghề, vừa học bổ túc văn hóa để học sinh sau khi ra trường sẽ đạt trình độ văn hóa và nghề nghiệp… Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách về tiền lương để người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề có thể sống được bằng lương.

Mặt khác, ngành Giáo dục cần phối hợp các ngành, đơn vị, mở rộng các mô hình vừa dạy văn hóa, vừa đào tạo nghề cho học sinh (chú trọng ở bậc THPT), để sau 3 năm, học sinh vừa tốt nghiệp học văn hóa, vừa có một nghề với chuyên môn kỹ thuật phù hợp để vào đời.

* Xin cảm ơn ông !

Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020: Khoảng 55% trường THCS, 60% trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; và đến năm 2025 phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *