Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài: Cần sát với nhu cầu, phù hợp điều kiện địa phương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân (giữa) và Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Quang Hảo (bìa phải) chúc mừng các thành viên trong Ban Vận động thành lập Câu lạc bộ cán bộ đào tạo khoa học kỹ thuật sau đại học tại nước ngoài của tỉnh.

PHẦN LỚN ĐÃ ĐƯỢC BỐ TRÍ VIỆC LÀM

Cách đây gần 10 năm, tháng 2/2007, Đề án Mê Kông 120 Cà Mau chính thức khởi động. Đối tượng được dự tuyển là cán bộ, công chức, con em trong tỉnh đủ điều kiện sẽ được đưa đi đào tạo tại nước ngoài. Theo đó, có 10 nhóm ngành được tỉnh lưu ý và các ứng viên quan tâm; tập trung nhiều vào các ngành: Kinh tế, công nghệ chế biến, khoa học xã hội. Đến cuối năm 2015 (thời gian kết thúc Đề án), đã có 116 ứng viên được cử đi đào tạo tại nước ngoài, trong đó có 21 ứng viên theo học chương trình nghiên cứu sinh và 95 ứng viên theo học chương trình đào tạo thạc sĩ. Các ứng viên theo học ở các nước có nền giáo dục tiên tiến: Vương quốc Anh (38 ứng viên), Cộng hòa Liên bang Đức (9 ứng viên), Nhật Bản (19 ứng viên), Pháp (5 ứng viên), Úc (18 ứng viên)… Đến thời điểm hiện nay, đã có 70 ứng viên tốt nghiệp về nước và đã bố trí việc làm phù hợp cho 61 ứng viên, 6 ứng viên xin chuyển tiếp nghiên cứu sinh và 3 ứng viên đang chờ phân công công tác.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số trường hợp việc sử dụng các trí thức được đào tạo ở nước ngoài chưa phát huy hết khả năng của họ, dẫn đến sự lãng phí “chất xám”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Lan, giảng viên tại Trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau, là một trong những trường hợp như thế. Là một trong những người đầu tiên tham gia Đề án, học thạc sĩ chuyên ngành Toán – Lý tại Úc, khi tốt nghiệp trở về nước cũng là lúc Thạc sĩ Lan không có việc gì làm ở trường, phải làm những công việc theo sự phân công không đúng chuyên môn, trình độ đào tạo. Thạc sĩ Lan trước đây là giảng viên của trường, nhưng khi tốt nghiệp về thì cũng là lúc nhà trường không còn chỉ tiêu đào tạo sinh viên hệ Toán – Lý. Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Lan: “Được đào tạo ở nước ngoài rất là vinh hạnh vì có cơ hội mở mang hiểu biết. Trải qua thời gian vất vả nơi xứ người, mong muốn về nước để cống hiến, được làm việc, nhưng rồi khi về lại không có việc gì làm, bản thân rất là buồn. Để duy trì, tôi phải tự đi tìm việc ở bên ngoài nhằm trau dồi kiến thức, tránh lãng quên những gì được học”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Lan nêu lên những trăn trở sau khi được đào tạo, chưa có công việc phù hợp với chuyên môn.

Lấy kinh nghiệm thực tế bản thân, Tiến sĩ Triều Thanh Tuấn (tốt nghiệp ngành Khoa học và Công nghệ Sinh học tại Nhật Bản), hiện đang công tác tại Phòng Quản lý khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, chia sẻ: “Tôi chỉ sử dụng khoảng 5 – 10% khả năng là đã giải quyết hoàn thành tất cả các công việc được đơn vị giao, thời gian còn lại không có việc gì để làm. Với công việc hiện tại, tôi thấy rằng chỉ cần người có trình độ cao đẳng, đại học là có thể làm được, không nhất thiết phải có trình độ thạc sĩ hay tiến sĩ”.

Số tiền ngân sách đầu tư cho các ứng viên đi học ở nước ngoài từ Đề án Mê Kông 120 Cà Mau đến nay là trên 70 tỷ đồng.

PHẢI TỰ NỖ LỰC VƯƠN LÊN, PHÁT HUY NĂNG LỰC

Là tỉnh nghèo, khó khăn nhưng vẫn dành một khoản ngân sách không nhỏ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài. Đây là tầm nhìn, sự chuẩn bị nguồn lực cho tương lai phát triển của tỉnh. Tại buổi họp mặt các ứng viên được tỉnh đưa đi đào tạo tại nước ngoài vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân: “Đây là sự quan tâm đặc biệt của địa phương. Được hưởng sự ưu ái thì trách nhiệm với quê hương cũng phải rất lớn”.

Lấy hình ảnh từ thực tế về truyền thống khuyến học, khuyến tài của dân tộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng cha ông ta xưa nay, dù nhà nghèo nhưng luôn xem trọng, quan tâm đến sự học của con cháu. Thay vì dành tiền cất nhà, mua sắm của cải, thì đầu tư vào việc học tập của con cháu với niềm hy vọng lớn lao sau này chúng sẽ gầy dựng tương lai, giúp gia đình thoát được cái nghèo nàn, lạc hậu. Liên hệ thực tiễn với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ứng viên cần xác định tư tưởng là phải cống hiến khi hoàn thành chương trình học tập, về nước phục vụ quê hương, phục vụ nhân dân và xem đây là mục tiêu, lý tưởng chung.

Nhìn nhận điều kiện thực tế tại địa phương sẽ rất khó để các ứng viên có trình độ cao phát huy hết năng lực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các ứng viên phải tự đặt câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì đây?”, để mà suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, cống hiến, phát huy năng lực một cách phù hợp, trọn vẹn nhất. Phải tự nỗ lực vươn lên, người khác chỉ giúp chứ không thể làm thay cho các ứng viên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, công việc cơ quan phân công chỉ là một phần, tự chúng ta phải nỗ lực nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo để có thể phát huy năng lực, công việc phù hợp hơn, vì chúng ta được đào tạo ở nền giáo dục tiên tiến, trình độ học vấn cao, lĩnh hội về kiến thức chuyên ngành nhiều hơn, mới hơn.

Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đặt hàng rất nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn địa phương, đây sẽ là “đất sống”, trở thành những “vườn ươm” để các trí thức có trình độ cao phát huy năng lực trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng phù hợp, sát điều kiện thực tế địa phương.

Trước thực tế có trường hợp sau đào tạo đã bỏ việc, không về cống hiến cho quê hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân cho rằng đây là sự đánh đổi vì lợi ích trước mắt để thỏa lòng ích kỷ bản thân. Tiền ngân sách là tiền của dân, của quê hương, trong muôn vàn khó khăn nhưng tỉnh vẫn ưu tiên để các ứng viên được đi học, đó không chỉ về lý mà còn cái tình, cái nợ mà các ứng viên phải trả và có trách nhiệm với quê hương.

“Chúng ta chưa thể hài lòng về việc sắp xếp bố trí việc làm, chế độ chính sách đãi ngộ đối với các ứng viên khi về nước công tác. Nguyên nhân là do trước đây việc khảo sát nhu cầu ban đầu của Đề án chưa thật tốt. Đáng lý ra chúng ta phải khảo sát và nắm bắt được nhu cầu của các sở, ngành cần nguồn nhân lực như thế nào, bao nhiêu người, lĩnh vực nào… mới tuyển và đưa đi đào tạo. Vì thế, khi đào tạo xong, thời gian qua và hiện tại đã xảy ra tình trạng bị động trong phân công công tác, một số đơn vị gặp rất nhiều khó khăn khi nhận người từ Đề án vào làm việc.”

(Ông Cao Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.)

Bài cuối

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *