Đất Mũi: Phát triển ngành “công nghiệp không khói”

Huyện Ngọc Hiển là huyện tận cùng của đất nước; có ba phía Đông, Tây, Nam đều giáp với biển; phía Bắc giáp với sông Cửa Lớn và sông Bồ Đề nên huyện bị “tách biệt” như một cù lao. Địa phương có Mũi Cà Mau là điểm mốc quốc gia cuối cùng trên đất liền. Nơi đây không gian thiên nhiên trong lành, mát mẻ của biển, của rừng, thích hợp cho du khách đến tham quan, khám phá, thư giãn và thưởng thức các món ăn mang hương vị biển. Hiện nay, đường giao thông về Đất Mũi thông suốt, thuận lợi.

Không chỉ hấp dẫn ở vẻ đẹp thiên nhiên, Đất Mũi còn có nhiều món ăn đặc sản như: vọp nướng mỡ hành, cua rang me, hàu xối mỡ, sò huyết rang me, cá thòi lòi nướng muối ớt… Không những thế, khoảng 10 hộ dân ở ấp Cồn Mũi còn thực hiện mô hình du lịch sinh thái; đến đây, du khách có thể cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân và ở lại qua đêm để hòa mình giữa rừng, biển…

Mũi tàu, biểu tượng thiêng liêng nơi mảnh đất cực Nam Tổ quốc, mà bất kỳ du khách nào đến Đất Mũi cũng mong muốn được lưu giữ kỷ niệm.

Du khách có thể nghỉ qua đêm và cùng với hộ dân trải nghiệm soi ba khía.

Mắm cá chim, món ăn ưa thích của người dân miền biển.

Từ khi hạ tầng giao thông được đầu tư, thông thoáng đường về huyện Ngọc Hiển, Đất Mũi thu hút đông khách đến tham quan.

Du khách chọn mua tôm khô, một đặc sản của Đất Mũi.

Từ đầu năm đến nay, huyện Ngọc Hiển đã đón trên 250 ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch Đất Mũi, doanh thu trên 40 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2016.

Định hướng của huyện đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, sẽ đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để phát triển cơ sở vật chất, nhà nghỉ, khu vui chơi ở Khu du lịch Đất Mũi; phát triển thêm 4 điểm du lịch sinh thái; thu hút từ 100 – 150 triệu lượt khách trong nước và quốc tế; phát triển 20 làng nghề. Phấn đấu tăng doanh thu du lịch mỗi năm từ 70 tỷ đồng trở lên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *