Đất Mũi vươn mình

Du lịch sẽ tiếp tục là hướng đi bền vững của Đất Mũi trong tương lai.

ĐI LÊN TỪ GIAN KHÓ

Đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn – Đất Mũi qua địa bàn hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển có tổng chiều dài 51,3km với tổng mức đầu tư hơn 3.540 tỷ đồng; bề rộng nền đường 7,5m, bề rộng mặt đường là 6m. Việc thông xe kỹ thuật tuyến đường về Đất Mũi giúp hành trình từ TP. Cà Mau đi đến mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc không còn bị đò giang cách trở, qua đó không chỉ tạo nên trục giao thông huyết mạch xuyên suốt trong tỉnh Cà Mau và miền Tây Nam Bộ mà cả Quốc lộ 1A. Ý nghĩa quan trọng hơn hết là góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương, tỉnh nhà phát triển, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an ninh – quốc phòng, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân cả nước mỗi khi về thăm Đất Mũi.

Hệ thống giao thông của Đất Mũi đang dần được hoàn thiện.

Nếu như thời điểm tái lập tỉnh (năm 1997), tổng giá trị sản xuất của xã Đất Mũi chỉ hơn 198 triệu đồng; cơ cấu nông nghiệp với hơn 80% là ngư – nông – lâm nghiệp, dịch vụ chỉ mới 17%; thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 11 triệu đồng/người/năm; đời sống người dân chủ yếu dựa vào con tôm, kinh tế dịch vụ chưa được khai thác đúng mức, đặc biệt là ngành kinh tế không khói – Du lịch; thì giờ đây, bằng nhiều chính sách, kinh tế vùng đất này từng bước khởi sắc, đưa Đất Mũi từng ngày vươn ra biển lớn.

Năm 2015, trước tình hình kinh tế – xã hội xã Đất Mũi còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quyết định, kế hoạch của UBND huyện; tập trung thực hiện với quyết tâm cao nhất, khắc phục các hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Với sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đoàn kết của toàn dân và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, Đất Mũi đã vượt qua khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra: Kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các mô hình sản xuất mang hiệu quả cao, kinh tế hợp tác được phát huy. Nhiều công trình, dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các công trình phục vụ nhu cầu dân sinh; các chính sách an sinh xã hội luôn được quan tâm, nhiều hoạt động Đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình chính sách, người có công được triển khai tích cực và chu đáo. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Chất lượng giáo dục từng bước nâng lên…

Xây dựng nông thôn mới được xã xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung thực hiện công tác quản lý quy hoạch, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, được triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp, góp phần đảm bảo an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được quan tâm, đổi mới, bằng nhiều phương thức thực hiện tổ chức các buổi tiếp xúc dân, đối thoại trực tiếp để nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng nhằm giải quyết thỏa đáng. Công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính được chú trọng, đạt nhiều hiệu quả tích cực. Đến nay, hầu như Đất Mũi đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội quan trọng của năm 2016 và đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh.

HƯỚNG MỞ CỦA NGÀNH DU LỊCH

Nói về hướng mở cho du lịch Đất Mũi, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Trần Hiếu Hùng: “Tới đây, ngành Du lịch của Cà Mau, đặc biệt là du lịch Đất Mũi “thức dậy” và vươn mình. Ngành sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở Đất Mũi, tập trung toàn lực mở hướng cho ngành du lịch phát triển”. Giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh ưu tiên phát triển 18 sản phẩm du lịch tại Đất Mũi. Theo đó, ở loại hình ẩm thực sẽ ưu tiên các loại khô đặc trưng của Cà Mau: Khô cá thòi lòi, cá rún, khô mực, khô cá đuối, tôm khô; các loại mắm: Mắm cá chim, mắm tôm, ba khía; các đặc sản cua biển, ghẹ biển, cá dứa, cá chẽm; các món ăn được chế biến từ đặc sản tươi sống: Sò huyết rang muối, cháo hàu, vọp hấp gừng, lẩu riêu cua, ba khía rang me…

Đối với loại hình du lịch, tham quan sẽ ưu tiên: Khám phá sự đa dạng sinh học của khu dự trữ sinh quyển thế giới; tham quan du lịch vị trí địa lý – cực Nam Tổ quốc, nghe kể chuyện “Dã tràng xe cát”, chụp hình lưu niệm ở cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi; trải nghiệm hoạt động lướt ván sạc sò, nghêu trên khu vực bãi bồi hoặc “Một ngày làm nông dân” tại các hộ du lịch cộng đồng, bắt ba khía, đặt vọp, mò sò, ngắm các loài chim di trú; tham gia hoạt động “trồng cây gây rừng”; trải nghiệm mô hình làng rừng ở mũi Cà Mau. Còn về sản phẩm lưu niệm, sẽ ưu tiên các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của địa phương: Đũa đước, đũa vẹt; sản phẩm quà tặng: Mật ong, rượu trái giác… hoặc các sản phẩm làm từ gỗ địa phương…

Đất Mũi hôm nay đã vươn mình, phát triển một cách toàn diện. Khó khăn và thách thức cũng nhiều, nhưng bằng sự quyết tâm và đồng thuận cao của cả hệ thống chinh trị và nhân dân nơi đây, tin rằng Đất Mũi sẽ có bước đi vững chắc hơn nữa trong tương lai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *