Đặt sự an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân lên hàng đầu

Chủ trì tại tại điểm cầu Cà Mau có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải.

Báo cáo từ Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã được giảm tối đa, đặc biệt là về người: 133 người chết và mất tích; tổng thiệt hại về kinh tế hơn 7.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường trên cả nước, đã làm 11 người chết, mất tích; hơn 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; hơn 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Thiên tai hiện nay diễn biến dị thường, trái quy luật, xảy ra khắp vùng miền cả nước, suốt cả năm, ngày càng trầm trọng, lấy đi thành quả phát triển, tác động sâu sắc đời sống kinh tế – xã hội… Do đó, công tác PCTT khó khăn, phức tạp, chưa bao giờ kết thúc. Mỗi khi thiên tai, luôn có sự đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, MTTQ không để ai bị “đói cơm, lạt muối”, “màn trời, chiếu đất”. 

Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã được cải thiện. Nhiều công trình thủy lợi, PCTT quy mô cấp vùng đã được đầu tư. Ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế luôn được coi trọng. Công nghệ trong quan trắc, dự báo thiên tai được ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới. Công tác truyền thông cho người dân được coi trọng, kết hợp nhiều hình thức, đem lại hiệu quả cao. Nhờ đó đã giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.

Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, PCTT là nhiệm vụ thường xuyên phải được quán triệt của cấp ủy, chính quyền và người dân.

“Năm nay có nhiều bất thường thời tiết, Việt Nam có 11 – 13 cơn bão, hạn hán sau mưa lũ… Chúng ta phải xem xét quy luật bất thường của thời tiết cẩn thận hơn để chủ động ứng phó, PCTT thời gian tới”, Thủ tướng nói. 

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai” một cách đồng bộ, hiệu quả, theo dõi chặt chẽ, sát tình hình, không được chủ quan. 

Bên cạnh đó, rà soát phương án ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư ứng phó theo tinh thần “4 tại chỗ”. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo là yêu cầu quan trọng phải được quán triệt trong hệ thống. 

“Các địa phương mang yếu tố quyết định tính mạng, tài sản của nhân dân, do đó cấp ủy, chính quyền phải tích cực làm tốt công tác PCTT, nghiên cứu quy hoạch; củng cố công tác PCTT cấp huyện, xã; tổ chức truyền thông trong cộng đồng, đặt sự an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân lên hàng đầu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *