Dấu ấn ngôi trường cách mạng…

Trước yêu cầu cấp bách cần xây dựng và phát triển giáo dục toàn diện ở các vùng giải phóng đang ngày càng được mở rộng, năm 1961, Tiểu ban Giáo dục khu Tây Nam Bộ tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý giáo dục, để giúp các tỉnh trong vùng sớm hình thành bộ máy chỉ đạo giáo dục ở địa phương; đến năm 1964, được đổi tên thành Trường Sư phạm Tây Nam Bộ (mật danh C6C) để đào tạo giáo viên cấp I, cấp II, phục vụ cho giáo dục các tỉnh trong vùng.

Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của trường được hình thành từ 3 nguồn: Giáo viên trụ tại chiến trường từ ngày Đồng Khởi, giáo viên tăng cường từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam và giáo viên từ vùng tạm chiếm chuyển vào. Học viên của trường đến từ các tỉnh: Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Trong hồi ký “Trường Sư phạm Tây Nam Bộ – Dấu ấn cả đời tôi”, ông Vũ Bá Hiệp (giáo viên tăng cường từ Hà Nội vào trường năm 1973) chia sẻ: “Buổi đầu tiếp xúc với học viên, tôi không khỏi ngỡ ngàng, nào là nón tai bèo, quần áo bà ba, khăn rằn quấn cổ… học viên giống giải phóng quân hơn. Tận đáy lòng tôi thầm cảm phục họ, những con người đã từng cầm súng đánh giặc, đứng trong đội ngũ quân giải phóng… Không giống một ngôi trường sư phạm nào, Sư phạm Tây Nam Bộ là một trường học cách mạng, cung cấp cho miền Nam nhiều cán bộ kịp thời sau ngày 30/4/1975”.

Buổi khai giảng. Ảnh: Tư liệu.

Trường được dựng lên bởi niềm tin và bàn tay những “người thợ” giáo viên, học viên một thời sống chết bên nhau trong rừng đước, rừng tràm Cà Mau. Ngoài giờ học, thầy trò cùng nhau kiếm cá, kiếm rau phục vụ bữa ăn. Thiếu thốn, hiểm nguy nhưng vẫn say sưa giảng dạy, học tập với tinh thần quả cảm, tiến công như những chiến sĩ nơi trận địa. Có khi khu vực trường đóng bị bắn phá, làm chết nhiều người dân, nhiều học viên bị thương phải giăng mùng trong hầm để ngủ.

Nhắc đến thời gian học tập nơi này, ai nấy vẫn y nguyên cảm xúc nghĩa tình. Ông Nguyễn Huy Hoàng, cựu học sinh trường, chia sẻ: “Năm 1969 tôi được lệnh đi học, phải mất 45 ngày lặn lội từ Vĩnh Long mới tới được Trường Sư phạm T3. Ở đây, cùng với học tập, tôi tham gia bảo vệ nhà trường, bảo vệ căn cứ cách mạng, bao lần vào sinh ra tử với mảnh đất Cà Mau.

Cán bộ và học viên của Trường Sư phạm Tây Nam Bộ là những hạt giống đỏ tận tụy, vừa kiên trì đóng góp quan trọng trong nền giáo dục kháng chiến ở vùng, vừa dũng cảm tham gia đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước”. Cô Nguyễn Thị Niêm, cựu học sinh trường, bộc bạch: “Tôi ra trường năm 1974, lúc này ngành Giáo dục gấp rút chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho tình hình cách mạng mới. Cà Mau bấy giờ có 3 nữ làm Trưởng Tiểu ban Giáo dục, trong đó có tôi. Căn cứ phải thay đổi liên tục; đi hội nghị bằng xuồng chèo, kéo qua đập, khéo léo qua đồn bót giặc… Nguy hiểm chực chờ, nhưng các giáo viên vẫn kiên cường bám trụ bám lớp, giữ trường”.

Qua hồi ký “Trường Sư phạm Tây Nam Bộ – Dấu ấn cả đời tôi”, giáo viên và học viên của trường bày tỏ tri ân đến những người dân Cà Mau trượng nghĩa, sẵn sàng chở che, nhường cơm sẻ áo để các học viên và nhà trường hoàn thành sứ mệnh. Cô Lê Kim Hía, cựu học sinh trường, tưởng nhớ: “Chị chủ nhà xúc động tiễn chúng tôi đi, còn nhớ mãi hình bóng người phụ nữ chân chất, hiền lành nơi xóm nghèo heo hút ấy. Tuy nghèo, nhưng sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi nơi ở, cái ăn, thương chúng tôi như những đứa em ruột thịt trong nhà…”.

Trải qua nhiều giai đoạn ác liệt chống Mỹ, tính từ lúc thành lập năm 1961 đến năm 1975, trường đã đào tạo được 550 cán bộ cốt cán và giáo viên, trong đó 150 giáo viên cấp 2. Cô Phạm Kim Yến, Trưởng ban Liên lạc Trường Sư phạm T3, tự hào: “Hòa bình, cán bộ và học viên trở thành lực lượng cốt cán từ Trung ương đến cơ sở. Nay, tuy hầu hết đã về hưu nhưng họ vẫn góp sức mình vào công tác địa phương và giáo dục con cháu kế thừa truyền thống quý báu… Họ xứng đáng là tấm gương lấp lánh để những nhà giáo hôm nay nhìn vào thêm trân trọng sự nghiệp “trồng người” của mình”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *