Đau đầu chuyện xóa “cầu lộ thiên”

Dỡ và dựng như “bắt cóc bỏ dĩa”

Ai đã trải qua một thời tuổi thơ ở các vùng nông thôn thì hình ảnh cầu lộ thiên núp lùm bình bát, rặng trâm bầu trên ao cá sau nhà không xa lạ. Tuy nhiên, đó là chuyện của nhiều năm về trước. Hiện nay, khi cuộc sống vùng nông thôn đang tiến gần với thành thị, việc tồn tại những chiếc cầu lộ thiên thật khó chấp nhận. Từ nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND đã chỉ đạo các địa phương kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng trên. Hàng năm, các địa phương đều tổ chức ra quân vận động nhân dân tháo dỡ cầu lộ thiên trên ao, sông; tuy nhiên thực tế việc dỡ và dựng cứ tái diễn, ví như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Điều đáng nói là những hộ gia đình dù đã trang bị cầu vệ sinh hợp vệ sinh, song vẫn dựng thêm cầu lộ thiên. Tại các vùng nông thôn trong tỉnh, nhất là các mô hình vườn – ao cá… hoặc xuôi về vùng mặn Năm Căn, Ngọc Hiển… rất dễ dàng bắt gặp cầu lộ thiên. Việc xóa cầu lộ thiên không chỉ khó đối với các xã đang xây dựng NTM, mà ngay tại các xã NTM, tình trạng này vẫn tái diễn, gây nhiều khó khăn cho địa phương.

Anh Lâm Vũ An, Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa (huyện U Minh): “Trước khi công nhận NTM, xã cũng rất đau đầu về vấn đề này, nhưng với quyết tâm, xã cũng đã thuyết phục được người dân chung tay xóa cầu lộ thiên trên ao, góp phần bảo vệ môi trường và hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Tuy nhiên, hiện nay, sau hơn 2 năm công nhận, một bộ phận người dân lại tiếp tục làm cầu vệ sinh trên ao, với khoảng 174/2.391 hộ, chiếm 7,28%. Hiện nay, xã tiếp tục chỉ đạo chính quyền địa phương các ấp ra sức vận động nhân dân thực hiện tháo dỡ”.

Đây cũng là một trong những vấn đề “nóng” và khó khăn nhất của xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) – một trong 5 xã nằm trong trong lộ trình về đích xã NTM vào cuối năm nay. Đến nay, toàn xã còn đến 1.403/2998 hộ, chiếm 46,8% hộ dân sử dụng nhà tiêu, nhà tắm trên sông, ao. Theo chính quyền địa phương, nguyên nhân tồn tại và khó giải quyết triệt để vấn đề trên là do: Đa phần các hộ trên thuộc diện hộ nghèo, dân di cư tự do; cùng với thói quen từ bao đời nay, cuộc sống người dân nơi đây vốn gắn liền với sông nước, việc làm cầu vệ sinh lộ thiên trên sông ít tốn kém chi phí (tận dụng cây lá địa phương) và chủ quan rằng không ảnh hưởng đến môi trường do thủy triều lên xuống liên tục, nên công tác vận động càng khó khăn hơn.

Nhà ở ven sông cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường, do người dân có thói quen xả thải sinh hoạt trực tiếp xuống sông. Ảnh chụp tại huyện Đầm Dơi.

Cốt lõi là ý thức người dân

Năm 2012, để góp phần khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL, trong đó tăng cường công tác truyền thông làm thay đổi hành vi đi vệ sinh của người dân, hướng đến mục tiêu xóa dần tập quán sử dụng cầu vệ sinh trên sông, ao cá. Tại Cà Mau, Dự án trên được triển khai thực hiện tại 8 xã thuộc 2 huyện: Trần Văn Thời và U Minh. Bên cạnh hỗ trợ kinh phí xây dựng, tại các chi, tổ hội nằm trong Dự án còn linh hoạt thành lập các tổ hùn vốn xoay vòng, giúp nhau xây dựng cầu tiêu hợp vệ sinh. Kết thúc Dự án, có khoảng 1.500 cầu tiêu hợp vệ sinh được xây dựng tại gia đình các hội viên thuộc 8 xã nằm trong Dự án.

Theo số liệu thống kê, tại 29 xã NTM của tỉnh và 5 xã nằm trong lộ trình về đích xã NTM cuối năm nay, đến Quý I/2018, có khoảng 5.370 hộ dân/34 xã còn sử dụng nhà tiêu, nhà tắm trên ao, sông rạch. Điều này đồng nghĩa các xã còn lại trong tỉnh, tỷ lệ này sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh: Về mặt môi trường và mỹ quan, cầu vệ sinh trên sông ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường nước, đường lây truyền bệnh nhiều nhất, bởi qua phân, chất thải có mầm bệnh sẽ ký sinh trên tôm cá, cua sò và các loại rau gây nên bệnh thương hàn, dịch tả khi chúng ta vô tình ăn phải mầm bệnh. Do đó, để đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và giữ gìn cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng NTM, mỗi người hãy thay đổi thói quen từ việc sử dụng cầu vệ sinh ao cá sang sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Theo đó, Trung tâm cũng đã lựa chọn những mô hình nhà tiêu, hố xí phù hợp với từng cụm, tuyến dân cư, từng hộ gia đình: Xây nhà tiêu 2 ngăn ủ phân tại chỗ, nhà tiêu chìm có ống thông hơi, nhà tiêu thấm dội nước, nhà tiêu tự hoại… để người dân lựa chọn, có tính đến các điều kiện về kinh tế đối với từng hộ dân.

Ông Hồ Ngọc Tấn, Phó ban Chỉ đạo chuyên trách, kiêm Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh, cho biết: “Đây là một trong những vấn đề được quan tâm từ khá lâu. Từ nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND đã chỉ đạo là phải kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng này. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại trong đời sống sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, gần đây Văn phòng đã có các đợt kiểm tra, làm việc với các xã đã đạt chuẩn NTM trước đây, cũng như tại 5 xã nằm trong lộ trình về đích NTM năm nay, đây là một trong các tiêu chí mà một số địa phương còn vướng và khó khăn trong khâu giải quyết. Trong đó, cao nhất là xã Đất Mũi với gần 50%; huyện U Minh: Xã Khánh An 24%, Khánh Hòa 7,28%; Trí Lực (huyện Thới Bình) 17%… Trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, vấn đề này dù khó đến đâu, bằng mọi giải pháp phải giải quyết dứt điểm, nhất là không thể chấp nhận nhan nhãn hình ảnh cầu lộ thiên xuất hiện tên địa bàn các xã NTM”.

Để người dân nâng cao ý thức, thay đổi hành vi và tự nguyện không xây và không sử dụng cầu lộ thiên, là vấn đề cốt lõi, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của chính quyền các cấp và sự tham gia của người dân địa phương.

Để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, mỗi người dân hãy thay đổi thói quen trong việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tự giác tháo dỡ cầu lộ thiên để bảo vệ nguồn nước, đảm bảo vẻ mỹ quan và hơn hết là bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng. Đối với hộ dân, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc không điều kiện làm cầu tiêu hợp vệ sinh thì chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể cần có hình thức hỗ trợ: Vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí xây dựng; các tổ, chi hội thành lập quỹ hùn vốn giúp hội viên nghèo… Tất cả nhằm góp phần vì một môi trường sống ngày càng trong lành hơn. Mặt khác còn góp phần chung tay cùng với tỉnh thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 200, yêu cầu các Bộ, ngành, chính quyền địa phương khu vực ĐBSCL vào cuộc xóa bỏ cầu vệ sinh trên sông và trên ao cá. Nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Cà Mau đã vào cuộc, ra quân thực hiện dẹp hàng loạt. Tuy nhiên, hiện nay, phong trào có vẻ lắng xuống, một bộ phận người dân vẫn âm thầm lặp lại tập quán cũ, nhất là các hộ dân sống ven sông, các hộ nuôi cá trên ao ở các vùng ngọt hóa trong tỉnh…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *