Đầu tư công Nhu cầu lớn, giải ngân chậm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi (giữa) kiểm tra tiến độ thi công các công trình từ nguồn đầu tư công năm 2018 trên địa bàn huyện Đầm Dơi.

Bị cắt vốn, giảm vốn

Được biết, tổng vốn đầu tư công năm 2019 giảm khá sâu so với các năm trước, chỉ trên 2.800 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Trung ương chỉ hơn 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là vốn cho các chương trình mục tiêu Quốc gia có trên 317 tỷ đồng, tập trung hoàn toàn vào 15 dự án chuyển tiếp; vốn trái phiếu Chính phủ 300 tỷ đồng cũng bố trí cho 1 dự án chuyển tiếp. Đây là hệ quả tất yếu khi nhiều năm qua tiến độ giải ngân của Cà Mau quá chậm, Trung ương buộc cắt vốn, giảm vốn đối với các công trình dự án, hạn chế đầu tư những dự án mới, trong khi nhu cầu của địa phương là rất lớn, có khi là bức thiết.

Khó khăn được nêu ra một cách chung chung như một “điệp khúc” là do một số dự án còn vướng mắc trong khâu bồi hoàn, giải phóng mặt bằng. Một số đơn vị thi công thiếu tích cực trong đôn đốc tiến độ thực hiện; chưa nêu cao tinh thần phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán các công trình hoàn thành, tiếp nhận hồ sơ, thực hiện kiểm soát, thanh toán cho các dự án… cũng như phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị, tổ chức liên quan xử lý các khó khăn, vướng mắc đôi lúc chưa được quan tâm thực hiện…

Tiến độ giải ngân các công trình, dự án từ nguồn đầu tư công năm 2018 chậm, một phần do năng lực các chủ đầu tư, các nhà thầu còn nhiều yếu kém. Do trượt giá, sau thời gian triển khai thì hết vốn nhưng công trình vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến mục tiêu dự án không đảm bảo, gây bức xúc trong nhân dân. Ảnh: Dự án xây dựng tuyến bờ bao chống tràn kết hợp giao thông bờ Đông Gành Hào hết vốn, nhiều điểm không khép kín, giao thông khó khăn, nước dâng vẫn tràn vào đất sản xuất.

Biểu hiện của sự lãng phí?

Từ thực tế tình hình đã qua cho thấy, không ít dự án, công trình mà nguyên nhân ban đầu do chủ đầu tư chưa làm tốt khâu đấu thầu, đánh giá chất lượng nhà thầu thiếu thực chất, dẫn đến nhà thầu thiếu tiềm lực, thực hiện dự án, công trình chậm, làm cho tiến độ kéo dài…

Một vấn đề đáng quan tâm là qua thanh tra công tác xây dựng cơ bản tại các địa phương cho thấy, không ít chủ đầu tư thanh quyết toán thừa khối lượng cho nhà thầu. Thậm chí khi nhà thầu thực hiện công trình sai thiết kế, tự điều chỉnh dự án vẫn được thanh quyết toán; dẫn chứng là sự việc xảy ra tại xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, hiện sự vụ chủ đầu tư sai phạm do thanh toán thừa khối lượng thi công đã chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý…

Câu chuyện chậm giải ngân do tiến độ công trình chậm triển khai, thiếu khối lượng là bài học đắt giá nhiều năm qua, nhất là đối với các công trình bức thiết phục vụ sản xuất, dân sinh, đầu tư cho phát triển. Nhiều dự án đầu tư về thủy lợi, nhất là tại các tiểu vùng đã cho thấy thực chất của vấn đề này. Do kéo dài, khi sử dụng hết vốn vẫn không đảm bảo mục tiêu dự án vì trượt giá, kể cả chính sách bồi hoàn. Các dự án đầu tư từ nguồn ODA, càng kéo dài thì càng làm tăng nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương vốn khó khăn.

Không có tiền, đi “xin”, đến khi có lại không xài, mà đến khi xài thì lại không hiệu quả. Câu hỏi đặt ra rằng đây có phải là một biểu hiện của sự lãng phí?.

Năm 2019, Cà Mau tiếp tục đẩy nhanh các dự án, công trình ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh: Kè ngầm tạo bãi được đúc sẵn tại nhà máy trước khi vận chuyển, thi công kè hộ đê, tạo bãi trồng rừng.

Kỳ quyết đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng kế hoạch đầu tư công năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, quản lý chặt chẽ khâu chuẩn bị đầu tư, đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công gắn với khả năng cân đối nguồn lực đầu tư. Tổ chức giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu trên địa bàn tỉnh. Theo dõi sát tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 của từng dự án, công trình. Từ đó đề xuất UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án, công trình giải ngân chậm, không đảm bảo tiến độ để bổ sung cho dự án, công trình có tiến độ thực hiện tốt, có nhu cầu bổ sung vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ và tăng tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, vi phạm các điều, khoản hợp đồng đã ký kết, các nhà thầu không có năng lực thực hiện dự án, công trình. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tình trạng tiến độ thực hiện dự án, công trình chậm do nhà thầu không đảm bảo năng lực.

Với quyết tâm cao và kỳ quyết trong chỉ đạo, điều hành công tác giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh phân kỳ thời hạn giải ngân các dự án, công trình chuyển tiếp đã bố trí vốn. Cụ thể, đến hết Quý I phải hoàn thành giải ngân ít nhất 30%, đến hết Quý II đạt 60% kế hoạch, đến hết Quý III đạt 85% kế hoạch và công trình khởi công mới đạt ít nhất 50% kế hoạch. Đến hết Quý IV, tất cả các dự án, công trình phải đạt khối lượng tương đương với kế hoạch vốn năm 2019 đã bố trí và phải đảm bảo hoàn thành đầy đủ hồ sơ thanh quyết toán để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 trước ngày 31/1/2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *