Dạy chữ “trong tầm đại bác”

Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (thứ 2 từ phải sang) thăm hỏi, chuyện trò cùng các bạn.

Lớp học trong rừng đước, rừng tràm

Đồng khởi thành công, nhiều nơi ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc đã hình thành các vùng giải phóng. Lo cho đời sống vật chất, tinh thần của dân, lo xây dựng đội ngũ cán bộ cho phong trào cách mạng, Tiểu ban Giáo dục Khu được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo cán bộ giáo dục cho tỉnh Cà Mau, để rút kinh nghiệm mở tiếp các lớp đào tạo cho các tỉnh. Giữa hoàn cảnh muôn vàn gian nguy, thiếu thốn, Trường Sư Phạm T3 được dựng lên bằng cây lá đơn sơ trong rừng đước, rừng tràm và được che chở an toàn bởi “lũy thép lòng dân”. Cô Võ Thị Bé Ba nhớ lại: “Mấy bữa trực nhật, cả nhóm chia nhau ra trại đáy của người dân phụ việc, được bà con thương, cho cá, rau, nhiều xách tới không nổi. Họ thương chúng tôi như con cháu trong nhà, có gì ngon cũng đem cho thầy trò, tình cảm ấy chúng tôi luôn khắc ghi”.

Lớp đào tạo cán bộ giáo dục đầu tiên được mở vào năm 1961 tại rừng đước Cà Mau (rạch Lô Ráng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), với khoảng 50 học viên đến từ 6 tỉnh: Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long. Trường đã tồn tại và phát triển nhờ sự tận tâm của đội ngũ thầy cô giáo từ ba nguồn là tại chỗ, từ vùng địch tạm chiếm vào và chi viện từ miền Bắc. Khóa sư phạm cuối cùng kết thúc vào tháng 8/1975. Thực hiện sứ mệnh 14 năm, vượt qua bom đạn và chất độc hóa học của kẻ thù, Trường đã mở 14 khóa đào tạo, với hơn 600 cán bộ giáo dục và giáo viên cấp 1, cấp 2.

Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Liên lạc Trường Sư phạm T3, hồi tưởng về những ngày được tôi luyện tại Trường, nơi có những lớp học Làng rừng với những cái tên khó có thể quên được: Rạch Lô Ráng, kinh Tuần Thơm, kinh Ông Đơn, kinh Nhà Hội, kinh Bồn Bồn, lung Cá Trê, Cây Mấm, kinh Bông Súng, Bàu Hang, Kinh Đứng… “Chúng tôi không chỉ học để nâng cao kiến thức,  mà quan trọng là học phương pháp dạy học. Ngoài việc học làm thầy, làm cô, các học viên còn học cách tiếp quản một nhà trường từ chính quyền Sài Gòn sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Lúc đó, nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng qua các bài học được đưa lên hàng đầu”.

Bà Nguyễn Thị Mai trò chuyện với những học trò của chồng mình (thầy Bảy Minh).

Những “nhà giáo kháng chiến”

Tác nghiệp tại buổi họp mặt, nghe các cô, chú trải lòng về dấu ấn cuộc đời mình, tôi càng quý giá trị của tri thức và những người tạo dựng nền tảng ấy từ trong bom đạn. Họ là những “nhà giáo kháng chiến”, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người và phong trào cách mạng. Chú Lê Đoàn Kết hồi nhớ: “Ra trường, tôi về quê xứ Thới Bình, vận động bà con cho cây lá, góp sức cất trường. Cùng lúc đó bộ đội đánh đồn Kinh 7, xã Trí Phải, Huyện ủy chỉ đạo gom hết sườn đồn toàn cây gỗ quý, tấm lợp bằng tôn làm trường. Ngôi trường cấp 2 đầu tiên của huyện, mang tên Trường bán trú Ninh Bình được dựng lên và khai giảng vào năm 1966. Tôi trở thành giáo viên từ đó, dạy các môn: Toán, Sinh và Địa lý lớp 5/10, được vài năm thì tôi cầm súng trực tiếp chiến đấu”.

Trong bao câu chuyện thăm hỏi nhau về đời sống, sức khỏe, bỗng mọi người lắng lòng, có người không cầm được nước mắt, khi tưởng nhớ đến nhiều giáo viên, học viên đã lẫm liệt hy sinh. Cô Huỳnh Thị Mỹ Huê xúc động kể: “Nhớ các bạn hy sinh trong đợt Mậu Thân 1968 lúc tuổi đời mới 18, đôi mươi; nhớ các bạn bị giam giữ tận đảo xa vẫn giữ vững khí tiết của anh giải phóng quân, làm quân thù khiếp sợ; nhớ anh Phan Văn Oanh trên đường công tác, sa vào tay giặc, bị chúng mổ bụng, moi gan nhưng vẫn hô vang “Bác Hồ muôn năm”… và biết bao người ngày đêm bám lớp, bám trường đem con chữ cho học sinh dưới làn mưa bom bão đạn”. 

Giữa dòng người về dự họp mặt hôm ấy, tôi ấn tượng với người phụ nữ ngồi xe lăn, có con và cháu đi cùng. Giờ giải lao, tôi liền đến gặp cô và nghe cô tâm tình. Cô tên Nguyễn Thị Mai, vợ của liệt sĩ Nguyễn Hoàng Minh (thầy Bảy Minh) từng là hiệu trưởng của Trường Sư phạm T3. Thầy Minh quê ở Quảng Ngãi, năm 1963 được tăng cường vào nhận nhiệm vụ tại trường, đến năm 1973 thì hy sinh. Khi thầy đi thì cô Mai có thai người con út, cho đến ngày thầy hy sinh, cậu con trai lên 10 tuổi vẫn không biết mặt cha. Ngần ấy năm cô Mai vẫn ở vậy, đi dạy học theo di nguyện của chồng và lo cho 3 người con thành đạt.

Cô Mai nói mình không biết nhiều về Cà Mau, nhưng cô thiện cảm vùng đất nghĩa tình này qua những lá thư của thầy Minh. Nơi đây chồng cô đã gửi lại cuộc đời, đã làm tròn sứ mệnh nhà giáo, vì thế nghe tin họp mặt ở Cà Mau là các con, cháu của cô nôn nao, quyết đi đến những nơi xưa kia cha, ông mình đã dạy học, đã ngã xuống mà thêm tự hào với truyền thống gia đình. 

Tri ân vùng đất Cà Mau, các thầy cô, cựu học viên đã đóng góp xây dựng Nhà bia ghi danh anh hùng liệt sĩ tại xã Tam Giang (huyện Năm Căn) và tặng 3 bộ thiết bị y tế vật lý trị liệu cho địa phương.

Hoàn thành nhiệm vụ trong chiến tranh, những người còn lại hầu hết đã trưởng thành, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm trách nhiều cương vị lãnh đạo từ cơ sở đến trung ương. Nay tất cả đã nghỉ hưu, nhưng nhiều người vẫn còn đau đáu với sự nghiệp giáo dục. Như Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, là người thầy thương binh đã vượt qua thương tật đứng vững trên bục giảng suốt thời gian chiến tranh ác liệt tại Trường Sư phạm T3. Thầy đã cho xuất bản cuốn sách chuyên luận “Suy tư về giáo dục” tập hợp nhiều bài viết, những trăn trở, suy tư về giáo dục trong nhiều năm qua. Nhiều người đóng góp cho công tác an sinh xã hội, làm gương sáng cho con cháu noi theo.

Cảm xúc trong ngày họp mặt, chú Nguyễn Hữu Thành, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Cà Mau, là học viên của trường, đã sáng tác bài thơ “Trường Sư phạm T3”. Xin được mượn đoạn thơ trong bài thay cho lời kết: “Trường Sư phạm T3/ Nghe như huyền thoại/ Dạy chữ cho người trong tầm đại bác/ Giáo án thầy cô bao lần giặc đốt/ Vẫn bám trường làm hạt giống quê hương…”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *