Dạy học trực tuyến thời… COVID-19

Đến nay, đã có gần 100 trường học trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng các phần mềm để tổ chức các lớp học tương tác trực tuyến, thiết lập lớp học Online qua Livestream, Chat.

Học mọi lúc, mọi nơi

Trong những ngày này, giáo viên chủ nhiệm ở các khối lớp tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Phường 9, TP. Cà Mau), không chỉ phát trực tiếp phiếu ôn tập cho hơn 1.300 học sinh mà còn chuyển tải tài liệu theo thời khóa biểu Online ở các môn học lên website của trường, qua nhóm trên Zalo, để phụ huynh nào cũng có thể nhận phiếu ôn tập cho các con ôn luyện tại nhà. Đồng thời, nhắn tin, đôn đốc phụ huynh cho con đọc sách, làm bài tập để giúp các em không quên hết kiến thức khi ở nhà trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch bệnh. 

Chị Lê Thị Thanh Tiệp, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, chia sẻ: “Các cô cũng quan tâm mở điện thoại thường xuyên để hướng dẫn bài. Nhưng quan trọng là phụ huynh ở nhà phải kèm cho bé học. Về hình thức dạy học trực tuyến này, đối với những bài tập không hiểu, tôi sẽ gọi cho giáo viên hướng dẫn, giúp con tôi không bị hạn chế kiến thức”.

Mặc dù khá mới mẻ nhưng với phần mềm ứng dụng E-learning của VNPT và tham khảo thêm các nhà mạng khác, các giáo viên của Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Cà Mau) đã tổ chức tương tác trực tuyến; hướng dẫn cho học sinh truy cập vào đường link trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem video hướng dẫn trực tiếp của từng bộ môn theo từng khối lớp; đồng thời tải đề cương ôn tập và gửi đáp án phản hồi cho nhà trường vào thời gian đã ấn định trước, bằng nhiều hình thức cụ thể. Thông qua đó để duy trì thói quen và nền nếp của học sinh, cũng như hỗ trợ phụ huynh giúp con học tập, sinh hoạt tại nhà trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Hóa (Trường THCS Võ Thị Sáu, TP. Cà Mau): “Các tổ trưởng đã yêu cầu giáo viên bộ môn gửi bài trực tiếp thông qua những bài ôn tập mà con em đã học rồi. Sau đó, các tổ trưởng sẽ gửi những bài này lên mạng và yêu cầu tất cả phụ huynh trong trường qua phần mềm VioEdu cho các em vào đây đăng ký học. Hằng ngày, các tổ trưởng sẽ mở máy, thông qua phần mềm kiểm tra số lượng học sinh đăng ký”.

Đến nay, đã có gần 100 trường học trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng các phần mềm E-Learning, ViettelStudy,VioEdu, Trí Việt E-Learning, Zoom Cluod Meetings trên PC, Android và iOS do các nhà mạng VNPT, Viettel cung cấp… để tổ chức các lớp học tương tác trực tuyến, thiết lập lớp học Online qua Livestream, Chat; đồng thời thiết lập bài giảng, giáo án dạng video, tài liệu, câu hỏi để giao bài tập về nhà cho học sinh, thiết lập những kỳ thi, bài kiểm tra trực tuyến; theo dõi, quản lý tiến trình học tập của học sinh. Giúp học sinh học trực tuyến hoặc học lại bài giảng mọi lúc mọi nơi, làm bài tập và nộp bài tập trực tuyến theo thời hạn được đề ra.

Ngoài ra, phần lớn giáo viên các trường đều sử dụng Zalo, Facebook… theo nhóm để liên lạc, giao bài, hướng dẫn học sinh ôn tập, làm bài kiểm tra.

Ông Nguyễn Tấn Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, cho biết: “Việc ứng dụng phần mềm học trực tuyến là hình thức ứng phó nhanh và cần thiết trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, không chỉ mang lại một công cụ hữu ích phục vụ nhà trường, học sinh khắc phục kịp thời khó khăn mà còn là cơ hội để học sinh được trải nghiệm với hình thức học tập mới, rèn luyện được tính tự chủ, tự giác và ý thức hơn trong học tập. Qua đó có phương án hỗ trợ, giúp học sinh củng cố kiến thức, kỹ năng cơ bản khi nhập học trở lại sau thời gian nghỉ học khá lâu tại nhà để phòng dịch COVID-19”.

Các thầy cô Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Phường 9, TP. Cà Mau), cập nhật nội dung bài giảng trước khi đưa lên website của trường.

Khó khăn trong thực hiện

Để triển khai chương trình học trực tuyến hiệu quả, thủ trưởng các các đơn vị, trường học chỉ đạo chuyên môn tổ chức kiểm duyệt nội dung, chương trình, bài giảng của giáo viên trước khi đưa lên hệ thống; phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên sử dụng và khai thác phần mềm; thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh trên hệ thống.

Về phía giáo viên tích cực, chủ động nghiên cứu, soạn chương trình, bài giảng, tài liệu, bài tập phù hợp với từng đối tượng học sinh và đáp ứng yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục hiện hành. Bên cạnh đó, hướng dẫn học sinh đăng ký tham gia các lớp học trực tuyến, chịu trách nhiệm về chất lượng lớp học do mình phụ trách và tạo động lực cho học sinh học tập.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị trường học chưa quan tâm, chưa mạnh dạn triển khai, nhất là các trường học thuộc khối các Phòng Giáo dục và Đào tạo, có nơi chỉ dừng lại ở mức giới thiệu phần mềm. Số lượng giáo viên tham gia các lớp học trực tuyến còn quá ít; số lượng học sinh tham gia học tập không đáng kể.

“Theo các đơn vị báo cáo về, phần lớn cơ sở vật chất, thiết bị của các trường vẫn chưa đủ để đáp ứng việc dạy và học trực tuyến. Nhiều nơi còn thiếu phòng, thiếu máy tính, đường truyền Internet yếu, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa”, ông Nguyễn Tấn Nguyên cho biết.

Thêm một khó khăn lớn, gây trở ngại trong việc tổ chức dạy và học trực tuyến là nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc học trực tuyến của con, một phần vì không hiểu, một phần vì không có thời gian theo dõi, quản lý và một phần vì không có phương tiện. Tâm lý phụ huynh lo sợ giao máy tính, điện thoại, con em sẽ chỉ tập trung lên mạng để làm việc riêng mà không học.

Ông Hứa Trọng Nhơn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Năm Căn, cho biết: “Sau khi nhận được các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến, Phòng Giáo dục huyện đã có công văn hướng dẫn các trường, tuyên truyền đến phụ huynh học sinh bằng hình thức nhắn tin điện thoại qua VioEdu. Trước mắt là cho học sinh học trên đài VTC11, cho các em biết số tài khoản để theo dõi khung giờ học. Cơ bản các thầy cô có đủ năng lực, trình độ dạy học trực tuyến, vì đa số đều soạn giáo án điện tử, thông thạo vi tính, tuy nhiên, ngành Giáo dục huyện Năm Căn đang gặp khó khăn, trở ngại hiện nay là phương tiện, các trường vùng nông thôn còn hạn chế về máy vi tính. Phần lớn học sinh còn bỡ ngỡ về hình thức học trực tuyến như thế này, một bộ phận các em không có điều kiện học tập trực tuyến, đặc biệt là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, học sinh từ cấp THCS trở xuống, các em không có máy tính, điện thoại thông minh, không có mạng Internet và các thiết bị thông minh để hỗ trợ các em tham gia học trực tuyến”.

Mặc dù còn những khó khăn, hạn chế nhất định, tuy nhiên việc dạy học trực tuyến hiện nay đang được ngành Giáo dục khuyến khích các đơn vị nhà trường triển khai thực hiện, tùy vào điều kiện thực tế của từng trường; qua đó theo dõi, quản lý tiến trình học tập của các em.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *