Đẩy nhanh hoàn thiện chính quyền điện tử

Còn coi nhẹ việc ứng dụng CNTT

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2018, việc ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước đạt được một số kết quả tích cực: Công tác triển khai, quán triệt các văn bản của Trung ương đảm bảo kịp thời, hiệu quả; nhất là việc thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng CQĐT tỉnh trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo CNTT tỉnh, trong đó có sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về CNTT trên địa bàn. Việc ứng dụng các hệ thống, phần mềm như: Quản lý văn bản và điều hành; chữ ký số; hội nghị truyền hình trực tuyến; quản lý cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp; một cửa điện tử; cổng dịch vụ công trực tuyến… trong công tác quản lý, điều hành đã đem lại hiệu quả trong giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước, công việc của từng ngành và địa phương, cũng như tạo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính…

Đối với việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng CQĐT tỉnh giai đoạn 2016 – 2018, qua 3 năm thực hiện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT, triển khai các thành phần nền tảng, các ứng dụng của CQĐT tỉnh Cà Mau đến các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, liên thông, tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế: Tỷ lệ văn bản điện tử được ký số còn thấp, chỉ đạt khoảng 42%; việc nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức của một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ các thông tin theo quy định; vẫn còn các trang thông tin điện tử chậm cập nhật thông tin, nội dung chưa đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, việc triển khai các nhiệm vụ, dự án CNTT vẫn còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến đến các cơ quan, tổ chức, công dân dù đã được các cấp, các ngành tổ chức triển khai bằng nhiều hình thức, song mức độ tham gia dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp và số lượng hồ sơ nộp trực tuyến vẫn còn thấp so với yêu cầu đặt ra…

UBND tỉnh nhận định, nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế trên là do các ngành, các địa phương còn coi nhẹ việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành; thói quen thủ công, giấy tờ chưa được khắc phục; còn thiếu gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính…

Ngày 12/3, UBND tỉnh thực hiện ký kết hợp tác với đơn vị chủ quản của ứng dụng Zalo để khai thác ứng dụng này vào việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính.

Đề xuất Đề án tổng thể xây dựng CQĐT gắn với đô thị thông minh

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải, Trưởng ban Xây dựng chính CQĐT tỉnh, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, TP. Cà Mau tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm sớm khắc phục những hạn chế. Trong đó, lưu ý cần tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo phù hợp với Kiến trúc CQĐT của tỉnh đã được phê duyệt, nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin. Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, nhất là chữ ký số, hộp thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền các tiện ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng, trong đó có nộp hồ sơ trực tuyến qua Zalo. Đối với các cơ quan, đơn vị có trang thông tin điện tử thành phần, phải thường xuyên cập nhật thông tin…

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai, báo cáo kết quả về Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh để có chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời.

Các huyện, TP. Cà Mau thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng CQĐT cấp huyện trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo CNTT cấp huyện; báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông) trong tháng 3/2019. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung để xây dựng CQĐT phù hợp với xu thế phát triển công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, lưu ý việc xây dựng CQĐT phải gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc với ứng dụng CNTT, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Nghiên cứu, đề xuất Đề án tổng thể xây dựng CQĐT tỉnh Cà Mau gắn với đô thị thông minh. Trong đó, lưu ý đánh giá hiện trạng hạ tầng CNTT, viễn thông; các phần mềm dùng chung; đội ngũ nguồn nhân lực; xác định lộ trình đầu tư, phần nào Nhà nước làm, phần nào xã hội hóa, từ đó xác định danh mục dự án đầu tư, xem xét đưa vào kế hoạch thực hiện đầu tư công hàng năm, giai đoạn để triển khai thực hiện theo quy định.

Chủ động phối hợp với đơn vị phát triển phần mềm, các doanh nghiệp CNTT, viễn thông, rà soát, hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành của địa phương để thực hiện có hiệu quả việc gửi  – nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương thức nộp hồ sơ trực tuyến qua môi trường mạng, trong đó có nộp hồ sơ trực tuyến trên Zalo, nhằm tạo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình nộp hồ sơ trực tuyến.

Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản phù hợp với quy định hiện hành; trình trong tháng 4/2019. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn sử dụng các phần mềm, các ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận một cửa phải hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân các tiện ích khi nộp hồ sơ trực tuyến qua môi trường mạng, trên Zalo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *