Dạy và học trong “mùa” phòng dịch Covid-19

Thầy Ngô Duy Thanh, giáo viên Trường THCS – THPT Hồ Thị Kỷ, đang livestream trên Facebook để hướng dẫn học sinh học môn Sinh học.

Cho học sinh nghỉ học dài ngày để phòng dịch Covid-19 là việc làm cần thiết trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo lắng, việc nghỉ học dài ngày sẽ ảnh hưởng đến quá trình và kết quả học tập của học sinh. Vì vậy, nhiều trường đã có cách làm khác nhau để củng cố, bổ sung kiến thức cho các em học sinh trong thời gian không đến lớp.

Giải pháp được một số trường thực hiện là dạy học trực tuyến theo các chương trình học như thời khóa biểu. Các giáo viên chuyển bài online bằng Facebook, qua nhắn tin Zalo tới từng em.

Để bảo đảm tiến độ học tập của học sinh trong điều kiện không thể tổ chức dạy học tập trung, Trường THCS – THPT Hồ Thị Kỷ triển khai dạy học từ xa cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ. Để dạy trực tuyến hiệu quả, tùy theo từng môn học, giáo viên giới thiệu nội dung kiến thức mới, tài liệu tham khảo và gửi dữ liệu bài tập qua Facebook, Zalo cho học sinh. Cô Phù Thị Như Ngọc, giáo viên trường, cho biết: “Để đảm bảo việc học tập cho các em lớp 12 trong thời gian nghỉ để phòng chống dịch Covid-19, tôi đã chủ động lập các group (nhóm) giáo viên bộ môn trong lớp, group phụ huynh và group học sinh, để triển khai dạy và học online, với nội dung bám sát chương trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia. Theo đó, tất cả học sinh cuối cấp đều tranh thủ thời gian nghỉ để ôn luyện cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Với hình thức học này, hàng ngày vào lúc 20 giờ là thời gian các em nộp lại bài tập và chuẩn bị bài cho ngày hôm sau”.

Tương tự, trong thời gian học sinh không đến trường, các giáo viên chủ nhiệm Trường Tiểu học Lê Quý Đôn vẫn gửi phiếu ôn tập theo địa chỉ website, Zalo hoặc photo gửi cho phụ huynh, để các em học và làm bài tại nhà. Giáo viên bộ môn kết hợp với giáo viên chủ nhiệm giao bài cho học sinh ở các môn học, tương ứng với yêu cầu học tập ở thời điểm hiện tại. Thầy Trần Trí Ngoán, giáo viên dạy khối lớp 3 của trường, đã chuyển tài liệu vào wesbite của trường, qua mạng Zalo để phụ huynh nào cũng có thể nhận phiếu ôn tập cho con em làm bài tại nhà. Thầy Ngoán chia sẻ: “Kiến thức trong các phiếu ôn tập là những kiến thức mà các em đã được học, nên sẽ không gây áp lực cho học sinh. Đầu tuần, phụ huynh đến nhận phiếu ôn tập, cuối giờ chiều ngày thứ Sáu thì đến nộp lại bài cho giáo viên chủ nhiệm và nhận phiếu ôn tập cho tuần mới”.

Quá trình dạy và học giữa giáo viên và học sinh có thể dễ dàng tương tác qua một chiếc điện thoại thông minh.

Thầy Lâm Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, với lợi thế là trường đã xây dựng được wesbite nên từ ngày 17/2, trong thời gian nghỉ khá dài để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn của trường đã tiến hành ôn tập cho học sinh để đảm bảo các em không quên kiến thức. “Việc triển khai phiếu ôn tập cho các khối lớp thông qua wesbite, Zalo hoặc bằng cách photo vẫn diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, trường cũng dự phòng phương án làm các video hướng dẫn kiến thức mới cho học sinh, nếu như thời gian nghỉ để phòng, chống dịch tiếp tục kéo dài”, thầy Bảo thông tin.

Đặc biệt, việc dạy và học online tại một số trường hiện nay đảm bảo kiểm soát việc tự học của học sinh. Giáo viên có thể tương tác, trao đổi, hướng dẫn kiến thức cho học sinh qua mạng. Giáo viên và học sinh có thể chat video hoặc livestream qua nhóm chat trên Facebook của từng lớp để thảo luận, giải đáp thắc mắc và giúp các em không sao nhãng việc học tập. Thầy Ngô Duy Thanh, Tổ phó Tổ Hóa, Sinh và Công nghệ (Trường THCS – THPT Hồ Thị Kỷ) chia sẻ: “Vào đúng thời gian được ấn định trước, tôi sẽ livestream trên Facebook để dạy bài cho các em. Do là hình thức trực tuyến nên kiến thức cũng phải được chọn lựa phù hợp để kích thích các em xem lại bài cũ. Riêng với group bồi dưỡng học sinh giỏi thì tôi tăng cường thêm chuyên đề để các em có thể nắm bắt nhiều kiến thức hơn”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *