Để Cà Mau là “miền đất hứa” thu hút đầu tư

Việc nhận thức đúng, đầy đủ, có chính sách và giải pháp quản lý hữu hiệu, cải thiện chất lượng, hiệu quả việc thực thi chỉ số thành phần PCI về dịch vụ hỗ trợ DN, sẽ mang ý nghĩa quan trọng. Đây là động lực và tiền đề cơ bản trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội mỗi địa phương.

Cần nhận thức đúng đắn

Theo kết quả công bố PCI năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ DN của tỉnh vẫn ở mức khiêm tốn (6,3 điểm), xếp thứ hạng 43/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 4 hạng so với năm 2016, nằm trong nhóm trung vị của cả nước. Từ kết quả trên cho thấy, việc nâng cao chỉ số này không những chưa có sự đột phá mà còn thụt lùi. Nói khác đi, giải pháp và hướng đi mà Cà Mau đã thực hiện chưa thật sự phát huy hiệu quả. Từ đó cũng cho thấy nhận thức về chỉ số này vẫn còn nhiều hạn chế.

Xem xét môi trường kinh doanh hiện nay cho thấy, nhu cầu các DN cần đến loại hình dịch vụ hỗ trợ nhiều nhất là ở các lĩnh vực: Hỗ trợ về tư vấn pháp lý; dịch vụ kế toán; công nghệ thông tin… Đối tượng cần đến dịch vụ hỗ trợ phần đông là DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, thị trường dịch vụ hỗ trợ hiện nay chưa phát triển, do các DN và các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của dịch vụ hỗ trợ trong việc thúc đẩy thị trường kinh doanh phát triển, khi số lượng đăng ký thành lập DN tăng nhanh. Hầu hết các doanh nhân chưa xác định lợi ích trong việc sử dụng dịch vụ hỗ trợ phát triển. Về phía DN cũng không nhận thức được những lợi ích tiềm năng từ hoạt động hỗ trợ đem lại, đặc biệt là các dịch vụ vô hình và không đem lại lợi ích ngay lập tức, như dịch vụ tư vấn quản lý và tư vấn chiến lược.

Một hạn chế dễ nhận thấy của các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ là chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu, không phải lúc nào cũng hiểu rõ những nhu cầu cụ thể của các DN, hoặc đủ điều kiện về chuyên môn và nguồn lực để thiết kế các dịch vụ cho phù hợp với những nhu cầu của DN, thiếu cơ bản các kỹ năng và kinh nghiệm tư vấn, đặc biệt là thiếu khả năng truyền đạt về giá trị của dịch vụ tư vấn cho khách hàng. Mặt khác, quá trình hình thành và phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ của chúng ta còn quá non trẻ, chuyên gia tư vấn độc lập không được đào tạo chuyên nghiệp và không xem đây như một nghề chính (chủ yếu làm thêm ngoài giờ), hoạt động theo kiểu “vừa làm vừa học” nên gặp khó khăn ngay cả trong việc quảng bá dịch vụ của mình, chưa tạo niềm tin cho người sử dụng.

Các cấp chính quyền chưa có văn bản nào thống kê, xác định ngành nghề, lĩnh vực có nhu cầu sử dụng dịch vụ hỗ trợ để có chính sách định hướng dịch vụ hỗ trợ phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường; chưa có chính sách ưu đãi, khuyến khích, chính sách quản lý giá dịch vụ hỗ trợ phù hợp đặc điểm từng vùng, từng địa phương, chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp đối với đội ngũ lao động hoạt động dịch vụ hỗ trợ chưa hình thành, phần lớn các DN dịch vụ hỗ trợ phải tự “bơi” trong điều kiện không có thông tin đầy đủ và thiếu sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, nên bị hạn chế trong quá trình phát triển là hệ quả tất yếu.

Hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin, kiến thức mới, chấp hành các quy định của pháp luật, tránh những rủi ro vi phạm trong suốt quá trình kinh doanh là một trong nhiều giải pháp được đặt ra.

Nhiều giải pháp được thực hiện trong năm 2018

Nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Sở Công thương Cà Mau đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các khóa tập huấn về an toàn thực phẩm, thương mại điện tử, kỹ năng xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Ngoài ra, thường xuyên cập nhật các tin tức thị trường, những quy định rào cản của các nước nhập khẩu trên các phương tiện thông tin do Sở quản lý; tổng hợp và cung cấp thông tin về các sản phẩm đặc trưng, các cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh cho các đối tượng trong và ngoài nước, thông qua các ấn phẩm xúc tiến thương mại.

Để tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển, Sở Công thương đã tích cực đẩy mạnh thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp tuyên truyền vận động các DN, hộ kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về hoạt động mua bán hàng hóa, thực hiện văn minh thương mại, nhất là trong buôn bán kinh doanh với khách du lịch. Qua đó góp phần bình ổn thị trường, nâng cao trật tự kỷ cương trong kinh doanh, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn hạn chế trong việc hỗ trợ DN: Việc cập nhật cung cấp thông tin về thị trường đôi lúc còn chậm, chưa đầy đủ. Công tác phát triển thương mại điện tử dù có thực hiện nhưng bước đầu mang lại hiệu quả chưa cao. Tương tác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phát sinh không nhiều.

Từ thực tế đã qua, nhằm nâng cao chỉ số này trong thời gian tới, với vai trò chủ công, Sở Công thương cũng đã xác định và đề xuất nhiều nhóm giải pháp quan trọng. Trong đó chú trọng tổ chức thực hiện tốt, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hội chợ triển lãm thuộc chương trình xúc tiến thương mại, giúp các DN tiếp cận khách hàng và quảng bá sản phẩm. Tiếp tục tổ chức các hội nghị kết nối cung – cầu hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác kinh doanh để liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nhất là các mặt hàng chủ lực có lợi thế của tỉnh.

Triển khai có hiệu quả các đề án khuyến công thuộc Chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, đã được phê duyệt, nhằm hỗ trợ các DN, cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua việc hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm…

Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm, triển khai các dự án hỗ trợ cho cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Cần Thơ để tìm kiếm hỗ trợ về vốn, kỹ năng kinh doanh, bán hàng… Kịp thời cung cấp thông tin mời các DN tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và khu vực. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức hội chợ thường niên tại tỉnh, vận động và hỗ trợ các DN, hợp tác xã trong tỉnh tham gia, qua đó giúp DN quảng bá sản phẩm của địa phương, tìm kiếm đối tác. Thường xuyên cung cấp thông tin nông, lâm, thủy sản cho các DN, hợp tác xã sản xuất, chế biến. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, duy trì phát triển chuỗi liên kết các ngành hàng chủ lực của tỉnh, giúp các sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kết hợp hậu kiểm tra qua các đợt kiểm tra trong lĩnh vực công thương, tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh bình đẳng, minh bạch…

Với sự nhìn nhận thẳng thắn vào những hạn chế, yếu kém để xây dựng và đưa ra những giải pháp hữu hiệu hơn, mong rằng trong năm 2018, chỉ số PCI tỉnh Cà Mau, trong đó có Chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN sẽ có nhiều bước tiến quan trọng hơn. Để từ đó sớm xây dựng Cà Mau là “miền đất hứa” để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *