Để con tôm phát triển nhanh và bền vững

Để đảm bảo các điều kiện nuôi cho người dân, huyện cũng như các xã, thị trấn đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ đó ý thức của người nuôi đã được nâng lên đáng kể. Nhiều hộ dân thực hiện khá tốt biện pháp đảm bảo môi trường.

Có hơn 24 năm kinh nghiệm trong nuôi tôm truyền thống, với hơn 3ha, ông Dương Thành Quý (ấp Tân Long A, xã Tân Tiến) mỗi năm có thu nhập ổn định từ việc nuôi tôm – cua kết hợp. Nhưng thời gian gần đây, người dân xung quanh phát triển khá nhanh diện tích nuôi STC, mà không đảm bảo đúng các quy định, từ đó gây ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng đến sản xuất của gia đình ông.

Qua tuyên truyền nhắc nhở, cũng như hướng dẫn người dân khắc phục những hạn chế thì ý thức của các hộ nuôi tôm đã nâng lên rất nhiều. Thời gian gần đây, điều kiện thời tiết rất thuận lợi, vì thế người dân trên địa bàn huyện Đầm Dơi đã mạnh dạn chuyển đổi, đào mới hàng trăm hecta nuôi tôm siêu thâm canh. Tuy nhiên, kèm theo đó là nỗi lo về tình hình ô nhiễm môi trường. Đã có trên 50ha diện tích nuôi tôm thâm canh và STC bị dịch bệnh, hơn 1.400ha diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến của người dân bị dịch bệnh từ đầu năm đến nay.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Thuần (bìa trái), kiểm tra việc xử lý môi trường của các hộ nuôi tôm siêu thâm canh.

Để giúp cho người dân xử lý môi trường nuôi, huyện đã hỗ trợ hơn 11.100kg chlorine cho trên 132 hộ nuôi xử lý, diện tích hơn 28ha. Sau thời điểm triển khai thực hiện Quyết định 1874/QĐ-UBND ngày 10/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, người nuôi tôm trên địa bàn huyện Đầm Dơi đã có những chuyển biến rõ rệt, ý thức được nâng lên trong bảo vệ môi trường nuôi tôm. Với diện tích hơn 5.100m2, ông Nguyễn Văn Út (ấp Tân Long, xã Tân Duyệt) quy hoạch diện tích 1 ao nuôi 1.000m2 và thực hiện mô hình từ năm 2017. Ông Út bày tỏ: “Mình nuôi phải bảo vệ môi trường như xây dựng ao chứa thải, ao lắng, ao xử lý… phải làm đúng các quy định, nếu không sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của bà con xung quanh”.

Ông Mai Hoàng Can (ấp Kinh Giữa, xã Quách Phẩm Bắc) thực hiện chuyển đổi nuôi tôm STC trong năm 2017. Với diện tích hơn 2,4ha, ông đào 6 ao, trong đó có 0,88ha ông thả nuôi, số ao còn lại ông dùng làm ao xả thải, ao lắng… Ông Can chia sẻ: “Bản thân phải làm đúng các quy định, hướng dẫn của ngành chức năng, có như thế môi trường nuôi mới đảm bảo, không vì lợi nhuận mà hủy hoại môi trường nuôi”.

Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện đúng các quy định về xả thải trong nuôi tôm STC, huyện Đầm Dơi cũng đã chỉ đạo tăng cường khâu kiểm tra, xử lý nghiêm hộ vi phạm.

Hiện nay, diện tích nuôi tôm thâm canh và STC toàn huyện hơn 2.800ha, có gần 4.500 hộ nuôi. Trong số này, do năng suất, sản lượng cao, nên mô hình nuôi tôm STC phát triển nhanh. Cụ thể, cuối năm 2017, diện tích nuôi STC là 411ha, 462 hộ nuôi, đến nay, diện tích hơn 840ha, có gần 1.000 hộ nuôi.

Đối với diện tích nuôi STC, tổ công tác huyện và các xã, thị trấn đã kiểm tra 967 hộ nuôi, có 621 hộ đủ điều kiện, còn lại 346 hộ nuôi không đủ điều kiện về điện, ao thải. Theo đó, huyện đã xử phạt 60 hộ nuôi không đủ các điều kiện hơn 124 triệu đồng. Đối với diện tích nuôi tôm thâm canh, huyện có hơn 2.000ha diện tích nuôi tôm thâm canh, có hơn 3.500 hộ nuôi. Hiện nay, chỉ có 969 hộ dân thả giống, diện tích 890ha. Để chủ động kiểm tra môi trường nuôi của các hộ nuôi tôm thâm canh, đầu năm đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kiểm tra được 837 cuộc, trong đó, 147 hộ đủ điều kiện, 195 hộ không đủ điều kiện về điện và 495 hộ chưa đủ điều kiện về ao thải.

Hiện nay, diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh toàn huyện hơn 2.800ha, có gần 4.500 hộ nuôi. Ảnh: VĂN ĐỜI

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay vẫn còn một số hộ nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu quy định về điều kiện nuôi theo Quyết định 1874/QĐ-UBND ngày 10/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh. Đó là, chưa đảm bảo quy định về các công trình phụ trợ. Khu chứa thải có thiết kế nhưng chưa đảm bảo về diện tích, cũng như thể tích chứa. Hệ thống điện còn sử dụng trụ, cột điện tạm bợ bằng cây gỗ, độ cao cũng như các điểm nối dây điện chưa đảm bảo an toàn theo quy định. Các văn bản, quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường cụ thể là xả thải trong nuôi tôm STC còn bất cập, UBND các xã, thị trấn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm.

Để nâng cao hiệu quả, năng suất tôm nuôi, cũng như bảo vệ môi trường nuôi tôm ổn định, tại Hội nghị chuyên đề về nuôi tôm thâm canh và STC mới đây, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Thuần chỉ đạo tập trung tuyên truyền, hướng dẫn thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện nuôi tôm thâm canh và STC. Các xã, thị trấn phải xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể để tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện đúng quy định trong nuôi tôm thâm canh, STC.

Các xã, thị trấn cần thường xuyên kiểm tra và nắm chính xác tình hình, điều kiện của từng hộ nuôi. Thẩm định các hộ nuôi mới, nếu hộ nào không đạt, phải lập biên bản cụ thể theo quy định và cương quyết không cho phép nuôi khi chưa khắc phục. Yêu cầu các xã, thị trấn phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến từng hộ nuôi, từ đó nâng cao ý thức chấp hành các quy định. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm. Đối với những hộ có diện tích nhỏ, không xây dựng được ao xử lý phải lắp đặt hệ thống biogas, nếu không thực hiện sẽ không cho nuôi. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp, nếu các đoàn kiểm tra phát hiện có hộ nuôi trên địa bàn vi phạm các quy định về nuôi tôm thâm canh, STC.

Với những nỗ lực và chiến lược phát triển ngày một bài bản, con tôm huyện Đầm Dơi đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển không chỉ nhanh mà còn bền vững, đáp ứng được môi trường thân thiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *