Để đảm bảo an toàn trong sử dụng thịt heo: Truy xuất nguồn gốc từ cơ sở giết mổ đến người tiêu dùng

“Đẩy lùi” thịt heo không đảm bảo an toàn thực phẩm

Hàng ngày, trên địa bàn tỉnh tiêu thụ trung bình khoảng 1.200 con heo/ngày, nguồn cung ứng heo trong tỉnh đáp ứng khoảng 51% nhu cầu, với 72 chợ bán lẻ, 625 quầy thịt heo, phân bố trên địa bàn 8 huyện và TP. Cà Mau. Nguồn thịt chủ yếu lấy từ 26 cơ sở giết mổ tập trung và một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Toàn tỉnh hiện có 6 cửa hàng bán thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm do Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Cà Mau đầu tư, 6 cửa hàng do Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ, một số cửa hàng tiện lợi và 3 siêu thị tại TP. Cà Mau. Hệ thống này cung cấp khoảng 5% sản lượng tiêu thụ của thành phố và đã thể hiện được tính vượt trội về việc đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) so với các chợ bán lẻ, mặc dù giá cả cao hơn mặt bằng chung của thị trường.

Tuy nhiên, tình trạng bơm nước, tiêm chích các loại thuốc an thần trước khi đưa heo vào giết mổ vẫn còn xảy ra; hay khi thịt heo phân phối ra thị trường thì người kinh doanh ướp muối diêm, hàn the để tạo màu, ngăn vi khuẩn phát triển. Việc kiểm soát điều kiện của các cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển thịt heo chưa được kiểm soát tốt… Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng, khó khăn cho cơ quan quản lý.

Từ thực tế trên, Sở Công thương đã tham mưu và UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2018 – 2020”. Đề án được xem là giải pháp đột phá nhằm “đẩy lùi” những sản phẩm thịt heo không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát ATTP; giảm thiểu các thủ tục hành chính, kiểm dịch thú y, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí quản lý.

Quầy bán thịt heo sạch Nông Xanh tại chợ Phường 5 (TP. Cà Mau) là một thí điểm thành công của Đề án.

Hướng đến thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAHP

Bước đầu, quy trình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc heo và sản phẩm thịt heo được ứng dụng công nghệ QR code, vòng nhận diện (VND), điện toán đám mây, tem điện tử, tất cả được kết hợp, điều hành bằng hệ thống công nghệ quản lý giao dịch, nhận dạng ưu việt của châu Âu TE-Card, đã hoạt động tại châu Âu trên 10 năm và được ứng dụng tại Việt Nam từ năm 2015. Trong giai đoạn 2, sẽ tích hợp thêm công nghệ RFID (sử dụng chip điện tử) gắn trên tai heo để quản lý toàn bộ thông tin về vòng đời con heo từ khi sinh ra.
Dự kiến, giai đoạn I sẽ thực hiện quy trình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc khoảng 50 con heo/ngày, phân phối đều ở các huyện, TP. Cà Mau và các cửa hàng tiện lợi, siêu thị… với khoảng 30 quầy thịt sạch tại các chợ trong tỉnh.

Đề án tiến tới xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, đảm bảo ATTP; nhân rộng và xây dựng thương hiệu, hướng đến thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt, theo Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN ngày 10/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Đề án được triển khai theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, sẽ nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo từ cơ sở giết mổ đến người tiêu dùng, bao gồm: Quản lý, đảm bảo ATTP đối với thịt heo từ khi con heo được vào cơ sở giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, tiểu thương bán lẻ tại các chợ và người tiêu dùng. Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 1/2020, mở rộng phạm vi kiểm soát từ các tổ chức, cá nhân chăn nuôi heo, từ giai đoạn heo con được sinh ra đến khi xuất chuồng, bao gồm kiểm soát vệ sinh thú y, thức ăn, nước uống, hóa chất, thuốc thú y, vắc-xin tiêm phòng, công tác phòng ngừa, điều trị bệnh, kiểm dịch…

Đối tượng tham gia Đề án là các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, cung cấp heo và thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức, cá nhân thu mua, vận chuyển, kinh doanh heo… (thương lái); ban quản lý, doanh nghiệp kinh doanh chợ; doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân, hộ kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh.
Khi tham gia Đề án, các đối tượng sẽ được Nhà nước hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn sử dụng giải pháp quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc heo và thịt heo; được hỗ trợ công bố thông tin quảng bá, địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, nhận diện và lựa chọn, mua sắm. Ngoài ra, được ưu tiên giới thiệu, kết nối cung cấp sản phẩm vào các hệ thống phân phối, các bếp ăn tập thể trong bệnh viện, trường học, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong chương trình hợp tác thương mại kết nối cung cầu; được tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư của tỉnh…
Nếu là các đối tượng sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ thì được xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư ban đầu trang thiết bị, chi phí trong giai đoạn triển khai vận hành thử nghiệm: Đối với thương lái, hỗ trợ vòng nhận diện; đối với cơ sở giết mổ, hỗ trợ vòng niêm phong và thùng vận chuyển; đối với tiểu thương, hỗ trợ tem và kinh phí xây dựng quầy thịt heo đối với các quầy chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Ngoài ra, còn được kết nối với các tổ chức tín dụng để vay vốn với lãi suất phù hợp phục vụ đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối.

Ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, cho biết: “Trước tình hình dịch tả lợn (heo) châu Phi đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh như hiện nay, việc thực hiện và nhân rộng Đề án sẽ góp phần đáng kể trong ngăn ngừa dịch bệnh. Đồng thời, từ những sản phẩm sạch cung ứng ra thị trường, người tiêu dùng không còn phập phồng lo sợ khi chọn sử dụng thịt heo, tránh tình trạng tẩy chay thịt heo, gây ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *