Để những chuyến vươn khơi trọn niềm vui

Cán bộ Biên phòng đến gặp gỡ, tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn mỗi chuyến vươn khơi.

Còn đó nỗi đau…

Tổng hợp số liệu 5 năm (2015 – 2019) từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 445 vụ tai nạn trên biển, làm chết 110 người, mất tích 118 người; chìm 140 tàu cá; hư hỏng 56 tàu; tổng thiệt hại tài sản do thiên tai và tai nạn trên 42 tỷ đồng. Điều đó không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn là nỗi đau tinh thần khá nặng nề cho các gia đình nạn nhân.

Đã hơn 4 năm trôi qua, nhưng khi nhắc đến chuyện 2 người con trai cùng phương tiện của gia đình mất tích trên biển, ông Nguyễn Văn Sổm (Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) vẫn thất thần. Con dâu của ông, chị Lê Thị Ngọc Thúy, là vợ nạn nhân kể lại: Sau chuyến đánh bắt trên biển, ngày 3/8/2015, khi ghe biển của gia đình với chồng chị, người em chồng, cùng 4 thuyền viên đang di chuyển vào bờ thì bất ngờ gặp cơn lốc xoáy, làm lật, chìm tàu và mất tích đến nay. Vụ chìm tàu đã để lại nỗi đau quá lớn về tinh thần cho gia đình chị Thúy và gia đình các thuyền viên cùng chuyến đi. Cùng với đó là thiệt hại về tài sản hàng tỷ đồng. Từ sau mất mát đó, gia đình chị Thúy không còn nguồn lực và nhân lực để tiếp nối nghề biển vốn đã duy trì 3 đời nay. Nỗi đau còn đó cùng với nặng gánh kinh tế trút lên vai chị Thúy, khi phải xoay sở để đảm bảo chi tiêu, lo cho 3 con ăn học và phụng dưỡng ba chồng.

Cùng với những sự cố đáng tiếc trên biển, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài diễn biến khá phức tạp, nhất là năm 2017 trở về trước. Ông Phạm Trọng Nghĩa (70 tuổi, Khóm 1, thị trấn Sông Đốc) cho biết: “Gia đình có 3 đời làm nghề biển, với 2 phương tiện đánh bắt. Năm 2017, khi ấy chưa gắn thiết bị giám sát hành trình nên trong quá trình đánh bắt, tài công đã di chuyển phương tiện vi phạm vùng biển Malaysia, bị bắt giữ, tịch thu phương tiện, thiệt hại trên 500 triệu đồng”.

Cả đời gầy dựng, sinh sống nhờ nghề biển, khi nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm, một bộ phận ngư dân (tài công) chưa phân định được giới hạn cho phép khai thác trên vùng biển; hoặc do cố tình, hoặc vì “lòng tham” mà không ít trường hợp rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần. Đó là bài học đắt giá, nhắc nhớ “người cầm lái” trên mỗi chuyến tàu sống và tuân thủ pháp luật để bảo vệ tính mạng, tài sản cho chính mình và chủ tàu.

Ông Phạm Trọng Nghĩa (bìa phải), ở Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, từng là nạn nhân của trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài.

Vì những chuyến biển an toàn

Trung tá Đặng Việt Hùng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết: “Cà Mau hiện có trên 5.000 phương tiện đánh bắt, trong đó có khoảng 2.000 phương tiện đánh bắt xa bờ. Trước đây, việc kiểm tra, giám sát chưa đồng bộ, nên số vụ tàu cá của địa phương vi phạm quy chế vùng biển thường xuyên diễn ra. Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động cũng như tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các chủ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tăng cường kiểm soát, đấu tranh nhằm giảm thiểu trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài; triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 – 2021”, thành lập các “Đội tàu an toàn”, “Đội cứu hộ”… Từ đó, góp phần giảm số vụ tai nạn trên biển (do nguyên nhân chủ quan); giảm số vụ vi phạm vùng biển nước ngoài…”.

Sông Đốc là một trong những cửa biển lớn của tỉnh, lưu lượng phương tiện đánh bắt khá nhiều, với 1.286 phương tiện (96 phương tiện đánh bắt xa bờ). Đây cũng là một trong những địa bàn có số tàu thuyền vi phạm vùng biển nước ngoài khá nhiều. Từ tháng 12/2018 đến tháng 4/2019 xảy ra 8 vụ, với 8 phương tiện/51 thuyền viên. Những năm qua, Đồn Biên phòng Sông Đốc luôn chủ động công tác kiểm tra, kiểm soát các phương tiện, gắn với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để ngư dân nắm chắc các văn bản pháp luật, các chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực biển, đảo là biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất khai thác, bảo đảm trật tự an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc, giúp nhân dân tiếp cận và hiểu biết pháp luật, hạn chế nảy sinh vấn đề phức tạp trên biển.

Lưu lượng tàu thuyền ra vào đánh bắt khu vực cửa biển Sông Đốc chiếm khá nhiều, với 1.286 phương tiện.

Đại úy Trần Thanh Ngoan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Đốc, cho biết: “Để giúp người dân hiểu và thực thi đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn vị đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương với nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền, mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên giúp dân nâng cao nhận thức pháp luật, từ đó người dân tích cực cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo. Đơn vị còn lồng ghép tuyên truyền cho ngư dân về Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia; Luật An ninh quốc gia; Nghị định số 71, ngày 3/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Hiến pháp sửa đổi năm 2013; Luật Tài nguyên – Môi trường biển và hải đảo; Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” và các văn bản pháp luật về biên giới biển, đảo; vận động chủ phương tiện gắn thiết bị giám sát hành trình, duy trì và phát huy hiệu quả mô hình “Đội tàu thuyền an toàn”, “Đội cứu hộ”… Qua đó góp phần giảm số vụ vi phạm, giảm tai nạn trên biển, giúp ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển”.

Tính đến ngày 9/4, toàn tỉnh có 1.125 tàu cá, chủ yếu là tàu có công suất lớn tham gia hoạt động đánh bắt xa bờ đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngoài ra, tại Trạm Kiểm soát đóng tại các cửa biển, lực lượng Biên phòng kiểm tra gắt gao việc trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết trước khi ra khơi: Máy định vị vệ tinh, phao cứu sinh, hệ thống máy thông tin liên lạc tầm xa… Qua đó, giúp cơ quan chức năng kịp thời triển khai công tác hỗ trợ, tìm kiếm cứu nạn tàu cá khi có xảy ra bão, tai nạn trên biển.

Song song đó, lực lượng Biên phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nơi đơn vị đóng quân tổ chức các cuộc tuyên truyền để nâng cao ý thức tự phòng tránh thiên tai, giảm thiệt hại cho ngư dân.

Ông Phạm Trọng Nghĩa chia sẻ: “Đợt vi phạm vùng biển nước ngoài năm 2017 gây thiệt hại khá lớn về kinh tế cho gia đình. Ngay sau đó, chúng tôi tham gia Đội Tàu thuyền an toàn, được phổ biến giáo dục pháp luật; các tàu hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt trên biển; được tiếp cận thông tin về ý nghĩa của việc thiết bị giám sát hành trình… Với những điều không may đã xảy đến với gia đình, tôi hy vọng rằng bà con hãy thận trọng, nay có thiết bị giám sát hành trình chúng ta càng dễ dàng theo dõi, quan sát, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Bởi lẽ không may thì của cải cả đời chắt chiu đánh mất trong phút chốc…”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *