Đề ra giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện tình hình mới

Phải bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công trong năm 2020

Do ảnh hưởng bất lợi của dịch COVID-19 và hạn hán, tổng sản phẩm trong tỉnh 6 tháng tăng 1,6% (cùng kỳ tăng 6,38%).

Nắng hạn đã làm 25.638ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh, mức độ thiệt hại năng suất từ 30-50%. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình tiêu thụ thủy sản sụt giảm, nhiều doanh nghiệp giảm sức mua hoặc mua với giá thấp, dẫn đến giá các mặt hàng thủy sản đều giảm từ 20-30% so với cùng kỳ; riêng giá tôm sú nguyên liệu giảm khoảng 15-30%.

Hạn hán gây thiệt hại 20.546ha cây trồng (phần lớn là lúa, chủ yếu là diện tích lúa – tôm); hệ thống kênh mương bị khô cạn, giao thông đường bộ bị chia cắt do sụt lún, gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, làm phát sinh chi phí sản xuất kinh doanh trong vùng ngọt hóa…

Tại phiên họp, các địa phương, các ngành đã nêu lên những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH: giá tôm nguyên liệu sụt giảm; lao động thất nghiệp tăng; tình trạng mua bán, sử dụng ma túy đang diễn biến phức tạp; nhiều điểm sụt lún chưa được khắc phục, gây khó khăn cho đời sống nhân dân; khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ… Theo đó, các sở, ngành đề ra các giải pháp xở gỡ nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu KT-XH đến cuối năm.

Thông tin tại phiên họp, tình hình giải ngân vốn chậm, nguồn vốn ODA đến nay chỉ giải ngân được 34,5%, vốn ODA năm 2019 chuyển sang cũng mới thực hiện trên 39%; giải ngân vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia chỉ đạt 18,5% kế hoạch.

Liên quan vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải lưu ý, phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từng sở, ngành, địa phương phải bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công trong năm 2020; xửlý nghiêm những trường hợp chậm trễ, làm thất thoát vốn.

“Dự án nào chậm cũng đều có nguyên nhân, song chúng ta phải xử lý ngay và làm phải tới nơi tới chốn. Theo đó, đơn vị nào chưa giải ngân tốt sẽ có hình thức kiểm điểm. Nếu đến hết tháng 8, những dự án, công trình chậm thực hiện, phải điều chuyển vốn cho các dự án có nhu cầu”, ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh. 

Dừng, giảm những khoản mua sắm, chi không cấp bách, điều chuyển cho đầu tư, phát triển

Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương nhận định sát tình hình, đề ra giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện tình hình mới. Nhất là điều chỉnh sản xuất từ nuôi tôm cỡ lớn sang cỡ nhỏ phù hợp nhu cầu thị trường, nuôi nhiều loại thủy sản trên cùng diện tích, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, khuyến khích người dân trồng rau màu, cây ăn trái tăng thu nhập…

Đồng thời, rà soát vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực, quan tâm các mặt hàng tiêu thụ trong nước, tranh thủ những thị trường mới, thị trường ít bịảnh hưởng của dịch COVID-19 để vực dậy xuất khẩu.

Ngành chuyên môn theo dõi chặt diễn biến thiên tai, chủ động phòng ngừa.Khẩn trương khắc phục ngay tình hình sụt lún đê biển Tây, dứt khoát không để xảy ra vỡ đê mùa mưa bão.

Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đồng thời chỉ đạo đánh giá hiện trạng nông thôn mới để có giải pháp phù hợp; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện nhanh nhất mời gọi nhà đầu tư vào các khu công nghiệp.

Cần giảm bớt hội nghị, lồng ghép nhiều nội dung vào một hội nghị, phát huy hình thức làm việc trực tuyến để giảm thời gian, kinh phí; những khoản mua sắm, chi không cấp bách đều dừng, giảm, điều chuyển cho đầu tư, phát triển. “Yêu cầu các ngành, địa phương bám vào danh mục điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ để thực hiện ngay. Phải linh động và bám sát thực tế”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *