Để xã nông thôn mới ngày thêm mới!

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương được nhân rộng.

Trong 19 tiêu chí đạt được thì tiêu chí an ninh trật tự, môi trường, hộ nghèo, thu nhập, trường học… là những tiêu chí dễ biến động, khiến cho không ít địa phương đau đầu để giữ vững các tiêu chí này.

Là xã được công nhận đạt chuẩn từ năm 2015, Tạ An Khương Nam (huyện Đầm Dơi) từ khi triển khai xây dựng NTM không thể phủ nhận diện mạo nông thôn của xã có những đổi thay tích cực, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, việc duy trì và nâng chất thành quả NTM trên địa bàn xã là chuyện không hề dễ. Bởi thực tế chỉ sau 3 năm đạt chuẩn, khi rà soát, đối chiếu, Tạ An Khương có 1 số tiêu chí bị “rớt”, một số tiêu chí còn “non”.

Ông Vương Chí Linh, Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương Nam, cho biết: “Xã luôn xác định xây dựng NTM là mục tiêu lâu dài nên khi được công nhận đạt chuẩn, xã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng chuẩn các tiêu chí, nhưng vì nhiều lý do nên vẫn có một số tiêu chí bị rớt”.

Điển hình như tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, hiện xã có 1 hợp tác xã đang gặp khó khăn do các hộ không theo quy trình nên còn sản xuất manh mún, chưa có sự liên kết trong tiêu thụ. Vì thế, dù vào hợp tác xã nhưng các thành viên vẫn còn sản xuất riêng lẻ.

Mô hình nuôi cua của ông Bào Thanh Hải (ấp Tân Hưng B) mang lại hiệu quả cao. Ông là cá nhân điển hình, mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho thu nhập cao.

Còn với tiêu chí giao thông nông thôn thì xã có khoảng 30% tuyến lộ bị hư hỏng do xuống cấp. Theo ông Linh, từ khi triển khai xây dựng NTM thì xã chỉ xây mới các tuyến lộ chứ không trùng tu sửa chữa, nâng cấp những tuyến lộ xây dựng trên 15 năm, đã xuống cấp.

Mặt khác, theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã NTM phải đạt dưới 4%, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế từ 85% trở lên. Thế nhưng, theo rà soát hộ nghèo đầu năm 2017, trên địa bàn xã còn 113 hộ (chiếm 6,78%) và hộ cận nghèo 70 hộ (chiếm 4,2%), tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế 78,64%.

Dù đến cuối năm 2017, bằng mọi hình thức, xã đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,72%; cận nghèo còn 3,84% nhưng từ kết quả trên cho thấy việc thoát nghèo không bền vững, tỷ lệ hộ nghèo có thể tăng đột biến sau vài năm.

Không riêng gì xã Tạ An Khương Nam mà đây là những thách thức không nhỏ của nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Bởi, sau khi đạt chuẩn, các nguồn hỗ trợ gần như không còn nên đa phần các địa phương phải dựa vào nguồn vốn huy động tại chỗ. Điều đáng nói là yêu cầu của tiêu chí NTM cũng cao hơn trước. Do đó, nguy cơ rớt chuẩn ở một số tiêu chí “mềm” là rất cao.

Bên cạnh đó, dù không thực hiện tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn nhưng để được công nhận xã đạt chuẩn ở mức độ 2, đòi hỏi xã phải có điểm trao đổi hàng hóa từ 200 mặt hàng trở lên, nhưng hiện nay xã vẫn chưa thực hiện được, do người dân mua bán rải rác, ít mặt hàng. Ông Linh cho biết: “Dù đã triển khai vận động rất nhiều, nhưng người dân vẫn chưa đồng tình nên hiện tiêu chí này đang gặp khó khăn”.

Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

Ngoài ra, thực tế tại các xã đạt chuẩn vẫn còn nhiều ấp mang tên “hai không” (không lộ, không điện lưới quốc gia sử dụng). Như ở ấp Tân Thành A, tuyến kênh Cây Tra còn hơn 20 hộ dân phải sử dụng điện chia hơi. Đa phần vì nhu cầu sử dụng nên các hộ này tự thỏa thuận để đưa điện “vượt sông”. Những sợi dây điện nơi đây được kéo chằng chịt trên trụ thô sơ, không đảm bảo an toàn.

Ông Trương Phương Thanh, một người dân nơi đây, bức xúc: “Biết là nguy hiểm, có nhiều hộ kéo chiều dài tới mười mấy công đất. Sợ nhất là trời mưa, cây gãy, dây đứt gây chết người như chơi, nhưng vì nhu cầu cần thiết phải làm liều”.

Chưa có lộ, nên muốn ra lộ lớn, các hộ dân phải đi lại bằng phương tiện thủy trên tuyến kênh Cây Tra. Những ngày nước lớn, người dân có thể thuận lợi lưu thông mua bán trao đổi hàng hóa, đưa rước học sinh đến trường, nhưng khi nước ròng thì dù muốn dù không, họ cũng phải đi bộ một đoạn khá xa để ra tới lộ lớn.

Toàn xã hiện có 17 tuyến đường vẫn chưa có điện thắp sáng và hơn 30km chưa làm lộ giao thông nông thôn, đa phần đây đều là những tuyến đường ngắn, dân cư thưa thớt. Những năm qua, những tuyến này đều nằm trong chủ trương kéo điện theo chương trình cấp điện nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020, riêng đối với xã Tạ An Khương Nam thuộc giai đoạn (2016 – 2020), nhưng đến nay vẫn chưa có tuyến nào trong danh sách được sử dụng điện lưới quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo quy định của bộ tiêu chí thì có chỉ tiêu cần đạt 75%, có chỉ tiêu đạt 85%… số còn lại 25%, 15% thì hầu như bị “bỏ quên” và luôn ở tâm thế chờ, nhưng không biết đến bao giờ mới được hưởng cái gọi là NTM như người dân ở nơi khác trong xã?!

Hoàn thành xây dựng NTM đã khó, giữ vững các tiêu chí còn khó khăn hơn. Vì thế, ngoài việc giữ chuẩn, nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt thì các địa phương cần tập trung nguồn lực xây dựng các tuyến chưa đạt chuẩn, để 100% người dân được thụ hưởng thành quả của NTM về mọi mặt. Có như thế mới đưa NTM ở địa phương ngày một mới hơn.

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, đến nay, Cà Mau có 29 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đây chỉ mới là kết quả bước đầu. Để hoàn thành mục tiêu có 50% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020, đòi hỏi sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong việc xây dựng mô hình, giải pháp, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *