Đến năm 2021, giải quyết cơ bản vấn đề sắp xếp trường, lớp, giáo viên

Chỉ đạo trên được phát biểu vào chiều 11/6, trong cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, về việc rà soát, sắp xếp lại trường lớp, giáo viên trên địa bàn tỉnh. Đến dự còn có ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Dương Huỳnh Khải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Hồng Quân, Lâm Văn Bi, cùng đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh, huyện dự.

Cà Mau hiện có 121 trường mầm non, trong đó có 303 điểm lẻ, có 1.206 lớp, 2.013 biên chế, còn thiếu 868 biên chế so với định mức.

Cấp tiểu học có 254 trường, 328 điểm lẻ, được giao 7.165 biên chế, thiếu 392 biên chế so với định mức.

Trung học cơ sở 119 trường, 12 điểm lẻ, được giao 4.079 biên chế, hiện có 3.987, còn thiếu so với định mức 451 biên chế. Trung học phổ thông 33 trường.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp vào chiều 11/6.

Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Chủ trương của tỉnh về việc sắp xếp, rà soát lại trường lớp từ năm 2015 nhưng đến nay chưa đi vào ổn định. Mặc dù thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc sắp xếp trường, lớp, giáo viên và xóa điểm lẻ nhưng các đơn vị thực hiện quá chậm, kém hiệu quả. Ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục quá lớn.

Riêng năm 2018, ngoài ngân sách Trung ương, tỉnh chi cho sự nghiệp giáo dục là trên 200 tỷ đồng để bù đắp các nhu cầu chi cho chế độ tăng lương cơ sở, mua Bảo hiểm y tế học sinh, chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên và chi giáo dục đào tạo khác. Từ việc phải chi trả cho con người như trên dẫn đến không đảm bảo cân đối được nguồn kinh phí (Trung ương giao chỉ đảm bảo chi cho con người theo biên chế được cấp có thẩm quyền giao).

Nguyên nhân thiếu biên chế giáo dục chủ yếu là do việc bố trí hệ thống trường học thiếu hợp lý; thành lập quá nhiều trường, điểm trường và chia nhỏ lớp học. Một số điểm lẻ không được quản lý chặt chẽ, sĩ số lớp học quá ít, có lớp học chỉ có 12 học sinh.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã đưa ra chủ trương, phương án sắp xếp lại trường lớp năm học 2018 – 2019: Về trường, lớp, học sinh, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, TP. Cà Mau phải tiến hành rà soát, sắp xếp số học sinh/lớp thuộc các cấp học làm cơ sở tính hệ số giáo viên/lớp theo định mức quy định; xóa các điểm trường lẻ, chỉ giữ lại những điểm trường lẻ khối mầm non và cấp tiểu học do quá xa điểm trường trung tâm và điều kiện giao thông đi lại quá khó khăn.

Những điểm trường lẻ còn lại, sẽ sắp xếp sĩ số học sinh/lớp cho phù hợp; các trường chưa thể xóa điểm lẻ cần có kế hoạch, lộ trình để đầu tư xây dựng, nâng cấp từ nay đến năm 2020.

Việc sắp xếp giáo viên phải thực hiện hết sức cẩn trọng, minh bạch, phù hợp. Đối với giáo viên thừa, ngoài định biên sẽ bồi dưỡng để chuyển qua dạy các môn học phù hợp chuyên ngành đào tạo; sắp xếp lại, chuyển từ trường thừa sang trường thiếu trong cùng địa bàn hoặc chuyển sang địa bàn khác; đào tạo lại số giáo viên dôi dư, chuyển đổi vị trí việc làm, động viên giáo viên chuyển sang làm công tác khác.

Đối với 264 giáo viên mà các trường tự ký hợp đồng ngắn hạn, phải chấm dứt hợp đồng từ ngày 1/7. Những trường hợp giáo viên được địa phương tự ký hợp đồng thì cần xem xét, chấm dứt hợp đồng theo quy định.

Tại buổi họp, các đại biểu cũng đã nêu lên thực trạng cũng như kiến nghị, giải pháp trước tình trạng thừa thiếu giáo viên, xóa các điểm trường lẻ. Đồng thời, các địa phương chia sẻ cách làm hay, đạt hiệu quả về công tác sắp xếp trường lớp, tuyển giáo viên.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải: Chủ trương rà soát, sắp xếp lại trường lớp đã kéo dài 5 năm. Nhưng qua mỗi năm và kéo dài đến hiện nay là không thay đổi, hằng năm luôn nằm trong tình trạng bị động, thiếu kinh phí trả lương cho giáo viên, kinh phí sửa chữa bàn ghế, trường, lớp học. Tình trạng trường, lớp học, giáo viên thừa vẫn tăng, dẫn đến áp lực ngân sách.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua chuẩn về cơ sở vật chất, giáo viên, sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thay đổi liên tục. Đề nghị các huyện, thành phố phải rà soát thật sát, đến tận trường, lớp học, chỉ giữ lại những điểm lẻ trong trường hợp cần thiết, chuyển các điểm trưởng lẻ tiểu học thành trường mầm non nếu phù hợp. Các phòng giáo dục huyện, thành phố cần rà soát ngay cơ sở vật chất để kịp thời trình UBND tỉnh, kịp thời sửa chữa nâng cấp trong dịp hè, đảm bảo cho năm học tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *