Đến năm 2025, giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ xuống dưới 15%

Sáng ngày 17/11, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh tiến hành Hội nghị thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh sắp tới. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử cùng đại diện các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan.

Ban Văn hóa – Xã hội tiến hành thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết về: Đặt tên đường trên địa bàn TP. Cà Mau, huyện U Minh và huyện Phú Tân; việc ban hành Nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Báo cáo công tác phòng, chống thiên tai năm 2020, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Theo nội dung tờ trình, TP. Cà Mau thực hiện đặt tên cho 10 tuyến đường, huyện U Minh đặt tên 3 tuyến đường và huyện Phú Tân đặt tên 4 tuyến đường. Các sở, ban, ngành đề xuất đặt tên đường theo tên Mẹ Việt Nam anh hùng, nhà thơ, nhân vật lịch sử, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Các tuyến đường này đã được các ban, ngành liên quan kiểm tra, xác minh địa chỉ, điểm đầu – điểm cuối, lấy ý kiến người dân sinh sống trên địa bàn.. Cơ sở hạ tầng trên các tuyến đều đã hoàn chỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị đơn vị tham mưu bổ sung các ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội nghị, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo quy định.

Theo tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, chương trình được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn từ nay đến năm 2025: Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt khoảng 23m² sàn/người; diện tích sàn nhà ở tối thiểu 12m² sàn/người. Tiếp tục rà soát để kịp thời hỗ trợ về nhà ở cho các hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo, giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ trên địa bàn tỉnh xuống dưới 15%.

Giai đoạn 2026 – 2030: Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt khoảng 25,4m² sàn/ người; giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ trên địa bàn tỉnh xuống dưới 10%.

Về tình hình thiệt hại do thiên tai, Báo cáo cho biết, tính đến ngày 9/11, thiên tai đã làm chết 5 người, mất tích 2 người, thiệt hại 860 căn nhà; thiệt hại, ảnh hưởng trên 43.400ha lúa và hoa màu, 408 cây ăn quả và gần 20.000ha nuôi trồng thủy sản; hơn 20.800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt… Tổng chi phí thiệt hại trên 1.072 tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại biểu đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai trước mắt cũng như lâu dài, như: Xây dựng các mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện thực tế, tình hình biến đổi khí hậu; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nâng cấp, sửa chữa, khắc phục sự cố đê, cống, đập ngăn mặn, chống tràn, kênh tạo nguồn nhằm khơi thông dòng chảy, trữ nước ngọt cuối mùa mưa phục vụ sản xuất trong mùa khô. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai vào cộng đồng; quản lý vùng thiên tai trên cơ sở phân chia theo hệ sinh thái một sách khoa học, dễ bố trí cơ cấu mùa vụ; giải pháp định canh, định cư an toàn; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, thích ứng được với biến đổi khí hậu…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *