Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam

(Ảnh tư liệu).

Cách đây 50 năm, trước lúc đi xa, về cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc thiêng liêng – một trong 5 bảo vật quốc gia; là tài sản tinh thần và là cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như công cuộc đổi mới đất nước, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn (chỉ với 1.000 từ), chỉ là “mấy lời để lại”, “tóm tắt vài việc”, như Người từng nói, nhưng nội dung bản Di chúc là văn kiện chứa đựng những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, vượt thời gian; là định hướng cơ bản, quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cả hôm nay và mai sau.

Bản Di chúc không chỉ là lời căn dặn, chứa đựng biết bao tình cảm, mà nó trở thành tài sản vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta. Nội dung trong Di chúc đề cập khá toàn diện về Đảng; về thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy nguồn lực con người, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, tôn trọng nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về kiên định mục tiêu đi lên xã hội chủ nghĩa; về vấn đề quan hệ quốc tế…

Di chúc đã có những chỉ dẫn quý báu, khoa học về vấn đề cơ bản, quyết định đến sự tồn vong của Đảng cầm quyền, đó là: Đoàn kết thống nhất, tự phê và phê bình; đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Những chỉ dẫn đó là quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước vì dân, Hồ Chí Minh luôn trăn trở vấn đề xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Chính vì thế, Người nêu rõ những vấn đề trụ cột trong công tác xây dựng Đảng, đó là đoàn kết nhất trí trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, đặc biệt chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân… Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đối với Đảng ta hiện nay và mai sau.

Bút tích trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu).

Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ một cách chặt chẽ mối quan hệ Đảng với nhân dân, thể hiện trong ba tư cách: Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng ta là đầy tớ; Đảng ta là người lãnh đạo. Để làm tròn ba trọng trách này, đòi hỏi phẩm chất của Đảng, năng lực lãnh đạo của Đảng, thái độ và tinh thần trách nhiệm của Đảng.

Với trí tuệ mẫn tiệp, Người đã thấy được sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là lâu dài, là một cuộc chiến đấu khổng lồ, chống lại những cái cũ kỹ, hư hỏng, lỗi thời, hướng tới tiến bộ, phát triển tốt đẹp, vì thế phải dựa vào dân, tập hợp, tổ chức nhân dân thực hiện. Ở đây, Di chúc toát lên tư tưởng trọng dân, lấy dân làm gốc vốn là tư tưởng lớn, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm nhìn xa về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Vì vậy, Người chỉ rõ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, chăm lo giáo dục “đạo đức cách mạng” cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. 

Ngoài ra, Di chúc còn thể hiện giá trị tấm gương, đạo đức ngời sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một tấm gương đạo đức suốt đời vì nước, vì dân, mong muốn làm sao phục vụ nhân dân “lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thêm thấy rõ tư tưởng lỗi lạc, giá trị triết lý nhân văn sâu sắc có tính hệ thống định hướng con đường phát triển của cách mạng Việt Nam.

Soi rọi 50 năm qua, những giá trị trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vận dụng, thực hiện trong từng giai đoạn cách mạng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới đất nước. Điều đó cho thấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc là định hướng cơ bản, quan trọng đối với cách mạng Việt Nam cả hôm nay và mai sau, vì mục tiêu đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.

Thời gian đã trôi qua nửa thế kỷ, tư tưởng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị; mãi mãi là động lực to lớn, là định hướng cơ bản, quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019), chúng ta nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Người, đồng thời càng thấu hiểu sâu sắc các giá trị lý luận và thực tiễn chứa đựng trong Di chúc. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam nêu cao tinh thần đoàn kết toàn dân tộc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *