Di chứng nặng từ tai nạn giao thông

Theo đánh giá của ngành Y tế, chấn thương sọ não do TNGT nếu đã bị thì đều thuộc diện nặng, thường thì người bị nạn sẽ bị hai dạng chính của chấn thương sọ não là đụng giập não và máu tụ nội sọ. Rất ít gặp các trường hợp chỉ bị chấn động não, loại nhẹ nhất trong danh mục của dạng tổn thương này.

Đụng giập não là nạn nhân bị những tác động lực mạnh bên ngoài vào sọ não và gây ra sự di chuyển quá mạnh của các bộ phận bên trong não bộ. Hậu quả, não bị đụng giập, các mô não bị giập nát một phần. Người ta thấy các mạch máu nhỏ li ti bị giập nát. Các mô thần kinh bị mất cấu trúc vốn có của nó, tế bào nát và bị tổn thương. Có thể có những tế bào thần kinh chết và không thể phục hồi được. Đương nhiên, hậu quả sau đó là người bệnh sẽ bị mất một chức năng nào đó của cơ thể, tùy thuộc bộ phận tổn thương bên trong não là gì, bởi mỗi một khu não bộ được phân công làm điều hành một chức năng cụ thể của cơ thể. Nếu như bị tổn thương ở bộ phận nào thì bộ phận đó không thể tiếp tục làm nhiệm vụ “điều hành” chức năng của cơ thể nữa, dẫn đến nạn nhân có thể liệt, cấm khẩu, điếc hoặc nhìn mà chẳng hiểu gì.

Anh Lê Quốc Trọng bị di chứng nặng do chấn thương sọ não.

Như trường hợp anh Lê Quốc Trọng (ấp Rạch Lùm, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời), nếu như trước đây anh Trọng là chàng trai khỏe mạnh, năng động bao nhiêu thì giờ đây là người nửa mê nửa tỉnh, không thể tự chủ trong mọi hoạt động. Năm 2011, Trọng bị TNGT gây ra chấn thương sọ não. May mắn thoát chết nhưng sự sống của Trọng kể từ đó hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, gia đình vốn túng thiếu nay càng khó khăn hơn. Và nỗi đau thêm chồng chất khi vợ Trọng âm thầm ra đi tìm cuộc sống mới vào năm 2013, bỏ lại đứa con còn nhỏ dại cho người chồng bại não. Bà Nguyễn Thị Là, mẹ Trọng ngậm ngùi: “Nhà không đất đai, tôi không đủ sức khỏe để lao động nặng nhọc. Phần phải lo chăm sóc cha chồng già yếu, con bệnh tật, cháu nhỏ. Rảnh lúc nào, tôi tranh thủ đan rổ, nhưng nhiều lắm mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Khổ sở mình cam chịu được, nhưng nghĩ về tương lai của cháu nội, tôi thấy xót xa quá”.

Cùng hoàn cảnh là trường hợp chị Huỳnh Thu Thủy, ngụ tại Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời. Trong một lần đi bán vé số mưu sinh tại khu vực gần nhà, TNGT đã ập đến với chị. Kể từ ấy, chị Thủy không còn cử động được như một người bình thường, đầu óc ít khi tỉnh táo do di chứng của tai nạn gây ra. Anh Nguyễn Văn Điệp, chồng chị Thủy chia sẻ: 3 năm kể từ ngày vợ anh bị TNGT, di chứng chấn thương sọ não khiến chị không thể tự đi lại. Kinh tế gia đình vốn đã khó khăn, nay lại càng khánh kiệt. Sau khi chị Thủy bị tai nạn, anh không còn chạy xe honda khách được như lúc trước vì phải chăm sóc cho chị. Phải buộc bụng cho hai đứa con đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: Những năm gần đây, số lượng nạn nhân bị chấn thương sọ não do TNGT có chiều hướng gia tăng. Chấn thương sọ não do TNGT đa phần là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, đặc biệt là đội mũ bảo hiểm sai quy cách, mũ không đạt chuẩn. Những thương tích do tai nạn, những cái chết thương tâm có thể giảm nhẹ nếu mỗi người tham gia giao thông biết tự bảo vệ mình. Để đảm bảo an toàn, bên cạnh việc đội mũ bảo hiểm, người tham gia giao thông cần nghiêm túc thực hiện đúng và đầy đủ các quy tắc điều khiển phương tiện tham gia giao thông, như: Đi đúng làn đường, không phóng nhanh vượt ẩu, không vượt đèn đỏ, không chở quá số người quy định…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *