Đi lên từ nỗi đau…

Ngày cơn bão định mệnh ấy đổ bộ vào vùng biển Cà Mau, xã Khánh Hội “gồng mình” hứng chịu nỗi đau mất mát khôn cùng. Chỉ từ đầu kênh Xáng Mới tới đập Giáo Bảy đã có tới 150 ngư dân chết và mất tích, cái tên “Làng góa phụ” cũng có từ đó.

Theo dòng kể của ông Nguyễn Minh Đo, Phó Trưởng Ban nhân dân Ấp 4 (ấp được chia tách từ Ấp 7, xã Khánh Lâm vào năm 2001), đời sống kinh tế chủ yếu của những hộ dân nơi đây là sản xuất nông nghiệp. Sau những mùa vụ thì đàn ông theo những chuyến ghe lênh đênh trên biển để kiếm thêm thu nhập, nên khi cơn bão ập đến thì ấp 4 chịu thiệt hại về người nhiều nhất. Có những hộ có tới 5 – 6 người thân bỏ mạng trên biển, như gia đình của ông Nguyễn Văn Vụ, có 7 người đi biển thì đã có 6 người không quay về.

Bia tưởng niệm những người bị tử nạn trong cơn Bão số 5 năm 1997.

Ký ức đau buồn năm xưa vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ của người “Làng góa phụ” hôm nay. Là một trong những người được cho là có nghị lực mạnh mẽ, bà Trần Thị Lăng (kênh Xáng Mới) kể: “Tôi nhớ như in ngày nhận hung tin ghe của chồng tôi bị bão nhấn chìm giữa biển khơi. Đau đớn quá, tưởng chừng có thể chết theo, nhưng nghĩ tới các con còn nhỏ dại, tôi dặn lòng mình không thể gục ngã. Tôi đã lặn lội nhiều nơi để tìm chồng, hay tin nơi nào có xác người trôi tấp vào bờ là tôi liền tìm đến với niềm hy vọng mong manh”. Vượt qua biết bao đau khổ, một nách 5 con, đứa nhỏ nhất khi ấy mới tròn 1 tuổi, vốn liếng gia đình đổ hết vào 2 chiếc ghe đã bị bão nhấn chìm; bà Lăng phải đi cấy, làm thuê để nuôi con. Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, các mạnh thường quân, và hơn hết là nghị lực của một người mẹ làm chỗ dựa vững chắc cho những đứa con, 5 người con trai không cha dồn tình thương vào mẹ, đứa lớn đỡ đần đứa kế, đứa kế lại dìu dắt đứa nhỏ. Năm tháng đi qua, nỗi đau đã phần nào nguôi ngoai, các con bà Lăng giờ khôn lớn, vẫn vươn khơi bám biển, chắt chiu vị ngọt từ biển mặn để vươn lên phát triển kinh tế.

Trở lại “Làng góa phụ”, nhìn bức tranh đời sống đổi thay, cảm nhận nghị lực phi thường của những con người nhỏ bé nơi xứ biển, họ vẫn tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Chồng mất khi bà Lăng mới 36 tuổi, giờ tóc đã hoa râm, nhưng bà vẫn hăng say lao động, phụ giúp với các con. Vừa làm mẹ vừa làm cha, bà đã tròn trách nhiệm dựng vợ gả chồng cho các con, cho chúng mái ấm gia đình.

Lo xong dựng vợ gả chồng cho các con, bà Trần Thị Lăng giờ đây vẫn tích cực lao động, kiếm thêm thu nhập, phụ giúp với các con.

Sau 20 năm, gia đình bà Lăng cũng như nhiều hộ gia đình khác có người tử nạn trong cơn bão lịch sử giờ đã có hướng phát triển kinh tế ổn định. Có người vì hoàn cảnh đã đi thêm bước nữa và cũng có nhiều người như bà Lăng chọn sống một mình để nuôi dạy các con nên người.

Đồng cảnh ngộ là bà Nguyễn Thị Xiếu, chồng mất khi đứa con nhỏ tròn tháng tuổi. Chỉ mới tuổi 25, người góa phụ vẫn đương lúc thanh xuân khi ấy vẫn quyết định ở vậy nuôi 3 con nhỏ dại. Trong sự quan tâm của chính quyền, bà con, với sự chịu thương chịu khó, bà không ngại làm thuê vất vả, xoay xở cho các con được đến trường. Hiện, cả 3 người con bà đều học hết phổ thông và có một người trở thành kỹ sư thủy sản. Nhắc nhớ nỗi đau, bà Xiếu bộc bạch: “Mỗi lần ghe mực vào, buồn lắm. Người ta có chồng có con về sau con nước, gia đình sum họp bên những chuyến ghe ăm ắp mực, chuyện trò rôm rả. Nhìn mà rớt nước mắt, nhưng tôi không có ý định đi bước nữa, lấy con cái là niềm vui, là điểm tựa tuổi về chiều”. Giờ ngày 2 buổi, bà ra bán tại sạp hàng cá trong chợ, vừa đỡ đần kinh tế cho con cái vừa có lao động cho cuộc sống vui hơn.

Thật đáng trân trọng những con người trên một làng quê chịu quá nhiều tang tóc, đau thương nhưng đã vượt qua và vươn lên trong cuộc sống. Truyền thống bám biển được giữ vững, không chỉ là để mưu sinh mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; và chính họ là những cột mốc sống trên biển, góp sức bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày 2/11/1997, Bão số 5 (Bão Linda) đã đổ bộ vào đất liền, gây thiệt hại rất nặng nền về tính mạng và tài sản nhân dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tổng số đã có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác, với tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 2.700 tỷ đồng.

Vào ngày 2/11 tới, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Bia tưởng niệm, đồng thời tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào bị tử nạn trong cơn Bão số 5 tại xã Khánh Hội, huyện U Minh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *