Di tích gắn với du lịch: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Giàu tiềm năng

Ông Lê Minh Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cà Mau hiện có 42 di tích được xếp hạng. Trong đó có 20 di tích cấp tỉnh và 12 di tích Quốc gia. Ban Quản lý Di tích đang khẩn trương hoàn thiện một số hồ sơ, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ được xếp hạng thêm 3 di tích cấp tỉnh nữa”.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Cà Mau được đánh giá là điểm đến du lịch lý tưởng của nhiều du khách. Cà Mau có hai hệ sinh thái rừng mặn – ngọt, là thế mạnh để phát triển về du lịch sinh thái. Song, hệ thống các di tích của Cà Mau cũng có nhiều tiềm năng và lợi thế để khai thác phục vụ phát triển du lịch. Điển hình như các di tích được xếp hạng cấp Quốc gia: Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, bến Vàm Lũng, đình Tân Hưng, chùa Phật Tổ, Địa điểm Làng rừng Vồ Dơi… và các di tích cấp tỉnh: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước, Đình Thần Thới Bình, miếu Thần Minh, Lăng Ông Nam Hải – Sông Đốc (mới được công nhận di tích trong tháng 8 vừa qua).

Cà Mau còn nhiều di tích đang được đề xuất để công nhận trong thời gian tới. Đây là tiềm năng vô giá để phát triển du lịch tại địa phương.

Ngoài ra còn rất nhiều di tích rải rác trên địa bàn các xã của các huyện đã được thống kê, lập hồ sơ quản lý, nhiều di tích đang được đầu tư phục dựng. Những điểm di tích gắn liền với sự hy sinh của thế hệ cha ông, với những chiến công hiển hách trong chiến đấu với kẻ thù: Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng thuộc xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển) nơi ghi nhận những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ trên “Đoàn tàu không số” đã vượt hàng ngàn kilomet đường biển để chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, hay di tích lịch sử Khu tưởng niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) là những tiềm năng du lịch thăm quan, tìm hiểu về lịch sử, về con người của vùng đất cuối trời.

Nhiều thách thức

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân), cho biết: “Điểm di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước đa phần tiếp các đoàn là đoàn viên, học sinh đến tham quan và tiềm hiểu về lịch sử, ít có khách du lịch. Nếu có khách du lịch đến thì phải có kết nối với Ban Quản lý di tích tỉnh để cử nhân viên hướng dẫn, thuyết trình. Nhưng đối tượng khách du lịch đến đây ít ghé lắm, chủ yếu là họ ra Đầm Thị Tường”. Thực tế, tại các điểm di tích chỉ có người trông coi, còn những vấn đề khác: Thuyết minh, giới thiệu về di tích, về lịch sử… thì thiếu cán bộ phụ trách.

Hiện nay, việc phân cấp trong quản lý các điểm di tích cũng là một khó khăn cho việc phát huy giá trị. Cụ thể, hiện Ban Quản lý di tích quản lý trực tiếp 6 di tích, gián tiếp 3 di tích. Tại các điểm di tích này có phân công nhân sự bảo vệ, chăm sóc. Còn các di tích cấp huyện quản lý đa phần là cán bộ kiêm nhiệm.

Phục dựng lại Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng còn gặp khó khăn, triển khai thi công còn chậm.

Như mới đây, phản ánh của một du khách khi đến tham Di tích lịch sử, văn hóa Bến Vàm Lũng – đường Hồ Chí Minh tại xã Tân Ân thì bên trong di tích không có hiện vật được trưng bày. Hỏi ra mới biết, di tích cấp Quốc gia không thuộc thẩm quyền địa phương quản lý, di tích chỉ có một người trông coi nên hiện vật cũng không được trưng bày vì sợ mất. Điều này rất khó khăn cho khách đến tham quan hoặc các đoàn đến tìm hiểu về lịch sử.

Mặt khác, tại các điểm di tích, ngoài những hiện vật được phục dựng thì không có thêm thông tin gì cho du khách “mang về”, không có cẩm nang thông tin gì về di tích… Do thiếu tính gắn kết nên các điểm di tích chưa có những dịch vụ phục vụ du khách: Nhà nghỉ dưỡng, nhà ăn… để giữ chân khách tham quan.

Một khó khăn của tỉnh hiện nay là việc phục dựng lại các điểm đã được công nhận di tích cấp tỉnh còn quá chậm: Di tích lịch sử Địa điểm chứng tích tội ác Mỹ – Ngụy ở Biệt Khu Hải Yến – Bình Hưng thuộc xã Tân Hải (huyện Phú Tân). Trong chiến tranh, nơi đây được xem là “địa ngục trần gian”, chứng tích tội ác của giặc đã giết hơn 1.600 chiến sĩ và dân lành. Công trình đã khởi công từ năm 2017 nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành việc san lấp mặt bằng.

Ông Hồ Toại Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hải: “Để khu di tích sớm hoàn thành, đề xuất tỉnh có hướng chỉ đạo để nhà thầu khẩn trương hoàn thành các hạng mục. Vì khi hoàn thành, đây không chỉ là địa điểm tìm hiểu về lịch sử cho thế hệ trẻ trên địa bàn xã mà còn cho thế hệ thanh niên, học sinh trên khắp mọi miền đất nước khi đến Cà Mau”.

Một thực tế hiện nay, tại các điểm di tích, kết cấu hạ tầng yếu kém, hệ thống đường giao thông chưa được đầu tư (như đường về di tích Hòn Đá Bạc), nâng cấp, các dịch vụ ăn nghỉ, sinh hoạt vui chơi còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu du khách. Trong quản lý, khai thác tiềm năng du lịch còn nhiều lúng túng, thiếu sự phối hợp giữa các ngành. Đặc biệt, chưa có quy hoạch chi tiết, phân cấp quản lý, công tác tuyên truyền còn yếu nên thông tin về di tích chưa được phổ biến rộng rãi.

Đa phần các điểm di tích trên địa bàn tỉnh vẫn yên ắng, vắng lặng. Một số điểm di tích chỉ “may mắn” nhộn nhịp vào lễ Nghinh Ông – điểm du lịch Hòn Đá Bạc và câu chuyện về chiến thắng vang dội Kế hoạch phản gián CM12 của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam đập tan âm mưu của bọn phản động, chắc không còn đọng lại gì ngoài khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp trong lòng du khách.

Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, vấn đề toàn cầu hóa về văn hóa, những giá trị truyền thống của dân tộc ít nhiều đang dần mai một. Nhất là thế hệ trẻ, nên việc gắn du lịch với di tích là việc làm hết sức thiết thực và mang giá trị nhân văn sâu sắc.

9 tháng đầu năm, Cà Mau đón trên 1002.000 lượt khách, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khách du lịch nước ngoài chiếm 21.137 lượt, tăng 12,57%. Tuy lượng khách tăng đột biến nhưng chủ yếu là khách đến những điểm du lịch. Điều đó cho thấy việc phát triển du lịch gắn với di tích của Cà Mau còn nhiều bất cập, chưa phát huy được tiềm năng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *