Đi tìm thương hiệu cho gạo Cà Mau

Cà Mau có nhiều tiềm năng xây dựng thương hiệu gạo sạch, nhưng đã qua chưa tìm được hướng đi phù hợp.

TIỀM NĂNG LẪN THÁCH THỨC

Tuy diện tích trồng lúa của tỉnh không lớn bằng các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Cà Mau vẫn có tiềm năng về phát triển ngành lúa gạo. Từ năm 2012, Cà Mau đã quy hoạch đầu tư phát triển sản xuất kinh tế nông nghiệp đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, theo hướng nông nghiệp hàng hóa, trong đó xác định gạo là một trong những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu cung cấp cho 1,2 triệu dân trong tỉnh mà phải có gạo xuất khẩu với sản lượng cao hơn mức 10 – 20 ngàn tấn như hiện nay.

Tỉnh xác định cây lúa là loại cây trồng được ưu tiên số 2 sau con tôm. Diện tích sản xuất lúa tuy không tăng, nhưng năng suất, chất lượng đã tăng gấp đôi. Đến nay, nông dân địa phương đã xây dựng được gần 11.000ha cánh đồng lớn. Tham gia mô hình này, các hộ dân đã tiết kiệm được chi phí về giống, phân bón, thuốc…, lợi nhuận mỗi vụ bình quân từ 17 – 20 triệu đồng/ha, có hộ gần 30 triệu đồng/ha. Để nâng hiệu quả mô hình sản xuất lúa cánh đồng lớn, tỉnh Cà Mau tiếp tục nhân rộng, trong đó quy hoạch cánh đồng lớn diện tích 2.200ha để thực hiện mô hình thâm canh lúa cao sản (1.200ha) và luân canh lúa – tôm (1.000ha). Mở rộng diện tích trồng lúa 2 vụ và phấn đấu đến năm 2017, năng suất lúa bình quân đạt hơn 5 tấn/ha.

Mặt khác, dù đã chuyển gần 350.000ha đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, nhưng tỉnh Cà Mau vẫn quy hoạch 130.000ha đất thuộc vùng nước ngọt để sản xuất lương thực, trong đó ưu tiên cho trồng lúa. Những vùng trồng lúa hiện nay tập trung ở 3 huyện: U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sản lượng, tỉnh Cà Mau còn phát triển công nghiệp chế biến, trong đó đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xay lúa gạo để xuất khẩu.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đã có nhiều giải pháp trong việc phục tráng các giống lúa phục vụ sản xuất của nông dân.

Tuy nhiên, trong hành trình xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Cà Mau, địa phương đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là năng lực thu mua và chế biến của doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế. Ở Cà Mau, Xí nghiệp Chế biến lương thực Thới Bình (thuộc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm Cà Mau) được xem là đơn vị mạnh nhất để thu mua lúa của nông dân trong tỉnh, nhưng hàng năm chỉ thu mua được từ 5.000 đến 7.000 tấn, có khi lên được 10.000 tấn. Con số này mang so sánh với tổng sản lượng lúa hàng năm của tỉnh Cà Mau sản xuất ra là rất thấp. Dù hàng năm chính Xí nghiệp này được chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo trong dân, nhưng không được các tổ chức tín dụng giải ngân vốn nên không triển khai được kế hoạch thu mua tạm trữ. Vì thế, lúc tới mùa thu hoạch, lực lượng thương lái đến thu mua và xuất bán ngoài tỉnh. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau lại phải nhập gạo để đủ đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh.

“Tiềm năng cây lúa không nhỏ, dù chưa là thế mạnh kinh tế. Cái khó đặt ra là tuy có tiềm năng và lợi thế nhưng lại phải chịu cảnh gạo Cà Mau không ở lại tỉnh mà đi lòng vòng, vô hình trung người dân phải chịu thêm khoản chi phí vận chuyển và mua gạo giá cao, cùng một số chi phí khác”, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phạm Thanh Hải nhận định.

Ngành chức năng nhìn nhận, sở dĩ có thực tế nghịch lý như vậy là do năng lực của các cơ sở sơ chế, chế biến gạo trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cùng Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phạm Thanh Hải và các kỹ sư nông nghiệp giải bài toán, mới thấy hết sự bất cập của sản xuất gạo Cà Mau cũng như khó khăn trong xây dựng gạo sạch Cà Mau: Với 550 ngàn tấn lúa, hàng năm sau khi trừ cho việc giữ lại tạo giống cho vụ tiếp theo, chăn nuôi gia súc, thì sẽ cho ra gần 330 ngàn tấn gạo thành phẩm. Với số gạo đó, mỗi năm 1,2 triệu dân Cà Mau sử dụng bình quân 10kg/tháng thì tiêu hết 144 ngàn tấn gạo; vẫn còn dư ra gần 200 ngàn tấn. Nhưng thực tế, thị trường Cà Mau vẫn cần phải tiêu thụ một lượng gạo nhập tỉnh mỗi năm.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

Cà Mau đã chủ động đầu tư xây dựng trại thực nghiệm và sản xuất giống nguyên chủng quy mô 50ha tại xã Khánh Lâm (huyện U Minh) để phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm giống lúa mới, sản xuất, cung ứng giống lúa cấp nguyên chủng cho nông dân gieo trồng. Phối hợp với các viện, trường trong khu vực tiếp nhận nguồn giống mới đưa về thí điểm, thực nghiệm trên đồng đất Cà Mau nhằm xác định, chọn lọc ra những giống lúa thích nghi, năng suất cao, phẩm chất gạo ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, sản xuất lúa sạch bằng mô hình lúa – cá đồng, luân canh một vụ lúa trên đất nuôi tôm kết hợp chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào đồng đất. Đầu tư thâm canh gắn với áp dụng quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, thực hiện cơ khí hóa trong sản xuất, thu hoạch lúa ở những nơi có điều kiện, áp dụng có hiệu quả công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát từ khâu suốt lúa, phơi, sấy và bảo quản, đảm bảo chất lượng lúa hàng hóa, phục vụ chế biến xuất khẩu.

Trên cơ sở quy hoạch hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, tỉnh tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi trọng điểm, thực hiện những dự án khép kín tiểu vùng phục vụ cho sản xuất chuyên canh lúa hai vụ, một vụ lúa – một vụ tôm; tiếp tục triển khai các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất đa mục tiêu.

Ngay lúc này, việc xây dựng gạo sạch Cà Mau vẫn là thách thức lớn đối với ngành Nông nghiệp. Vấn đề cốt lõi là tìm ra giải pháp kỹ thuật trong khâu chế biến, có vậy, gạo Cà Mau sẽ không bị “thua” trên sân nhà, mà vươn lên là ngành hàng chủ lực trong kinh tế nông nghiệp, sau thế mạnh con tôm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *