“Địa chỉ đỏ” nơi đất cuối trời

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Tân Ân. Ảnh: Lễ đón bằng công nhận Di tích, tháng 8/2016.

Ông Nguyễn Công Trực (Tư Trực), cán bộ hưu trí xã Tân Ân, kể: Cây me Rạch Gốc đã trải qua gần 100 năm. Thời điểm năm 1936 – 1940, cây me đã có tán rất lớn, thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã tập hợp thanh niên yêu nước để giác ngộ cách mạng tại đây. Cũng tại nơi gốc me này, thầy giáo Hiển đã tổ chức họp chi bộ đầu tiên và triển khai nghị quyết cho cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai 13/12/1940”. Ông Ngô Văn Phốc, người dân cố cựu sinh sống ở ấp Rạch Gốc: “Cây me đã nhiều lần bị B52 tàn phá. Cây chính ngã xuống do bom đạn, thì chồi tiếp tục mọc lên, dáng đứng thẳng, cành lá vươn cao như khí phách của con người nơi đây. Cây như một nhân chứng lịch sử chứng kiến những nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy giáo Phan Ngọc Hiển trong giai đoạn đầy khó khăn, để vực lên ý chí và cảm tình cách mạng cho con người vùng đất Rạch Gốc – Tân Ân”. Những thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này luôn được giáo dục và truyền ngọn lửa tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương. Chị Lý Thị Loan, Bí thư Xã Đoàn: “Chúng tôi là thế hệ đoàn viên, thanh niên sống trên quê hương mang tên người Anh hùng Phan Ngọc Hiển, nguyện học tập, lao động sáng tạo, quyết tâm cống hiến sức trẻ để xây dựng quê hương; ra sức gìn giữ, bảo vệ di tích cây me Rạch Gốc và luôn ghi nhớ công lao của những người đã ngã xuống vì hòa bình, thống nhất đất nước”.

Bên di tích Cây me, ông Nguyễn Công Trực kể lại cho thế hệ trẻ về thời kỳ cách mạng hào hùng của vùng đất Tân Ân – Rạch Gốc gắn với Thầy giáo Phan Ngọc Hiển.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Tân Ân đoàn kết, xây dựng và phát triển quê hương xã đảo anh hùng. Đời sống nhân dân ngày một được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6 – 7%/năm; công tác Đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt. Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND xã: “Cây me Rạch Gốc đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là “địa chỉ đỏ” để kết nối các sự kiện lịch sử quan trọng trong dòng chảy liên tục cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của quân và dân tỉnh Cà Mau nói chung, của con người và vùng đất Tân Ân – Rạch Gốc nói riêng… Giá trị về truyền thống lịch sử cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai 13/12/1940 mãi mãi được lưu truyền và trường tồn theo năm tháng”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *