Điểm sáng lan tỏa giữa đời thường

Nhiều năm nay, người dân xã Khánh Lâm (huyện U Minh) và một số địa bàn giáp ranh đã không còn xa lạ gì với hình ảnh người đàn ông trạc tuổi 60, với chiếc xe máy làm bạn đồng hành trên các tuyến đường để vá lộ. Việc làm của ông Nguyễn Trường Giang, có người đồng cảm sẻ chia, cũng có người dè bĩu cho rằng ông lo chuyện bao đồng. Nhưng ông Giang không hề để tâm, miễn sao bà con lưu thông được dễ dàng, ít xảy ra tai nạn do lộ xấu, là ông cảm nhận được nguồn động lực lớn lao để tiếp tục hành trình.

Vật tư được ông Nguyễn Trường Giang mua sẵn tại nhà, khi cần vá lộ là có ngay.

Người thợ bất đắc dĩ

Nhà ông Nguyễn Trường Giang nằm dọc kinh Dớn Hàng Gòn, một con kinh đại diện cho đất này về sự hy sinh, mất mát; đất của những người con kiên trung, bất khuất và cho một Khánh Lâm đang bừng bừng nhựa sống.Dân xứ này đời sống giờ đã khấm khá, lộ bê-tông gần như được nối liền, xuồng ghe được thay bằng xe máy, xe du lịch chạy bon bon ngày đêm. Cũng chính vì vậy mà đường sá trở nên nhanh hư hỏng, sạt lở, xuống cấp, làm cho việc đi lại của bà con và các cháu học sinh cùng việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Chuyện bắt đầu từ năm 2011, khi con lộ ngang nhà ông Giang xuất hiện “ổ voi”, lại ngay co quẹo gắt, xe cộ đi qua thường xảy ra tai nạn. Trăn trở ngày qua ngày, ông Giang lóe lên suy nghĩ và hành động đáng quý. Ông bỏ tiền túi mua cát, đá, xi-măng, dụng cụ làm hồ, rồi mang tới lấp chỗ hỏng cho bằng phẳng. Nhìn thấy học sinh, người dân được an toàn khi lưu thông, ông Giang thấy vui và từ đó có thêm động lực thực hiện dặm vá lộ cho đến nay.

Suốt buổi trò chuyện, ông Giang bày tỏ niềm tự hào, tri ân về quá khứ của đất này, để từ đó càng quý hơn những gì hiện có, mà ra sức bảo vệ, gìn giữ. Ông Giang bộc bạch: “Nhà nước giờ lo cho dân nhiều quá, từ điện, đường, trường học đến việc hỗ trợ vốn giúp bà con nghèo… Đường làm cho dân đi, vì thế mình phải có trách nhiệm bảo quản, sửa chữa để công trình được sử dụng tốt đẹp, lâu dài”.

Khi đi công chuyện hay đám tiệc, bất kể địa bàn trong hay ngoài xã, hễ thấy có “ổ gà”, “ổ voi”, ông Giang đều sắp xếp đến dặm vá cho bằng phẳng. Ông nói, nếu không làm kịp thời thì không lâu nữa lỗ nhỏ thành lớn, sẽ càng tốn kém hơn. Ông Giang hồi trẻ thì đi đánh giặc, đến lập gia đình thì trồng trọt quanh năm, chưa hề biết làm hồ, làm mộc. Mấy năm trước cất nhà, ông lân la hỏi thợ, rồi tập tành, dần dần hồ trộn có độ cứng chắc hơn, chứ hồi đầu chưa biết cách trộn xi-măng ông vá đâu tróc đó… Nhìn cách ông Giang trộn hồ nhanh tay, “thi công” thuần thục, ai cũng ngỡ ông là thợ chuyên nghiệp xứ này.

Con lộ trước nhà và đường dẫn vào nhà mình được ông Giang bài trí hoa kiểng đẹp mắt, bà con xung quanh ai nấy trầm trồ học hỏi làm theo. Cách nghĩ, cách làm của ông Giang làm chúng tôi không khỏi thán phục và suy nghĩ về hành động đẹp giữa đời thường, nếu ngày càng có nhiều người làm được việc tốt như ông Giang, thì những tuyến đường sẽ thêm sạch đẹp, thêm bền…

Trưa nắng, ông Giang vẫn lụi cụi dặm vá lộ, để xe cộ lưu thông được an toàn.

Tích cóp, lấy tiền vá lộ

Khánh Lâm là vùng đất rặt ngọt hóa, người dân nơi đây làm lúa 2 vụ, thêm trồng trọt, chăn nuôi. Vợ chồng ông Giang ít đất, thu nhập chủ yếu dựa vào mảnh vườn quanh nhà và tiền công lao động của người con trai một. Kinh tế không mấy khá giả, ông Giang tích cóp tiền từ chính sách thương binh hàng tháng, hay có khi bán vé số để mua cát, đá, xi-măng dự trữ sẵn ở nhà. Hễ nghe nơi nào đường có nhiều “ổ gà” là ông trộn sẵn vật tư rồi “một mình, một xe” hì hục chở đến để dặm vá những khúc lộ bị hư hỏng.

Ông Huỳnh Lâm, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, cho biết: “Cách vài ngày là ông Giang đến mua vật tư, do không có nhiều tiền một lúc, nên mỗi lần mua vài chục ngàn đồng, tự chở về tập kết tại vườn nhà, khi nào cần vá lộ, thì mang ra trộn lại, chở đến tận nơi vá”.

Hành trình vá lộ của ông Giang giờ đã không còn lẻ loi. Trước tiên là vợ ông, thấy ông lớn tuổi lại hay bị đau nhức lưng nên những chuyến đi xa, bà thường theo phụ giúp khiêng xách vật tư. Việc làm đầy tính nhân văn của ông Nguyễn Trường Giang đã được bà con xung quanh hưởng ứng, góp thêm tiền, công sức cùng ông làm việc tốt. Ông Giang hy vọng việc vá lộ của mình sẽ được mọi người làm theo và có ý thức rằng, đoạn đường trên phần đất của nhà ai thì người đó tự duy tu, sửa chữa khi bị hư hỏng hay phát quang cây cỏ cho sạch đẹp. Có như vậy mới tạo nên hệ thống giao thông thông suốt, đường sá thông thoáng, thuận tiện đi lại, hạn chế được tai nạn xảy ra.

Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ Ấp 3, ông Giang tích cực đi vận động tiền, gạo cho hộ nghèo, người già neo đơn. Khi người nghèo qua đời, ông cũng vận động các mạnh thường quân hỗ trợ hòm, đồ tẩn liệm, làm ấm lòng người đã khuất. Phó Chủ tịch UBND xã, ông Huỳnh Thanh Nuôl cho biết: “Ông Nguyễn Trường Giang là một trong 10 cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo Bác, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW. Từ cách làm hay của ông Giang, sắp tới, xã sẽ tích cực tuyên truyền, vận động mọi người noi theo, đồng thời huy động sức dân đóng góp chi phí, công sức duy tu, sửa chữa đường nông thôn hư hỏng, xuống cấp, để bà con tới lui được thuận tiện”.

Chia tay gia đình ông Giang khi mặt trời gần đứng giữa đỉnh đầu, cái nắng tháng 4 hầm hập, ngột ngạt, vợ chồng ông Nguyễn Trường Giang vẫn lăng xăng với đống cát, đá, xi-măng, chuẩn bị cho chuyến đi vá… lộ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *