Điểm sáng xây dựng cầu lộ giao thông nông thôn

Khánh thành bàn giao đưa vào sử dụng cầu giao thông nông thôn tại xã Trí Lực.

Ông Lâm Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Trí Lực: Trí Lực là một trong 5 đơn vị đầu tiên của huyện Thới Bình được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Hạ tầng cầu, lộ giao thông nông thôn bền vững và đạt tiêu chí số 2 về giao thông. Tuy nhiên, Đảng bộ và nhân dân trong toàn xã tiếp tục vận động đóng góp xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn và xem đây là tiêu chí chủ lực để thực hiện phát triển kinh tế trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực triển khai các chủ trương của huyện về vận động nhân dân trong và ngoài huyện tiếp tục đóng góp xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn; quy hoạch lại cây trồng, vật nuôi, gắn với xây dựng các mô hình điểm trình diễn phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội ở địa phương, được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ cổng rào, chặt cây, phá trúc… để làm lộ giao thông nông thôn, mở rộng mặt lộ, đảm bảo thông suốt cầu, lộ giao thông nông thôn ở địa phương.

Ông Trần Văn Độ (Ấp 9, xã Trí Lực) cho biết: Được vận động hiến đất xây dựng 2 cầu nông thôn, nối liền từ Ấp 5 đến Ấp 9, gia đình thống nhất dọn đất để làm đường dẫn cho 2 cây cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương đi lại, con cháu ở địa phương đến lớp, đến trường tốt hơn và tình trạng thương lái ép giá thu mua nông sản của người dân nơi đây không còn xảy ra.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, người dân Ấp 9, xã Trí Lực, phấn khởi: Hai cây cầu được bàn giao đưa vào sử dụng trước năm học mới là niềm vui rất lớn của người dân hai ấp, tạo điều kiện thuận lợi cho con em tôi đến lớp, đến trường.

Ông Huỳnh Văn Hôn, Trưởng ban Nhân dân Ấp 5, xã Trí Lực, cho biết: Cầu, lộ thông thương rất thuận lợi cho người dân địa phương đến tiếp thu khoa học – kỹ thuật trong sản xuất lúa tôm vụ mùa năm 2018. Nếu như năm 2017 do đi lại khó khăn, chỉ xây dựng được 20 hộ làm điểm trình diễn cấy lúa ST20 trên đất nuôi tôm, thì vụ mùa 2018 này, đã có đến 80% hộ dân đến tiếp thu tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tương đương với hơn 150 hộ thực hiện gieo cấy lúa ST20 trên đất nuôi tôm, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân nơi đây.

Để khắc phục khó khăn về nguồn vốn trong xây dựng giao thông nông thôn năm 2018, Đảng ủy, UBND xã Trí Lực đã phối hợp với ngành chức năng huyện huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài huyện, dưới nhiều hình thức khác nhau: Vốn từ ngân sách nhà nước, từ các dự án, chương trình đầu tư phát triển xây dựng nông thôn, đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội bằng đất đai… để đầu tư phát triển giao thông nông thôn. Từ đầu năm đến nay, các mạnh thường quân trong và ngoài huyện đã hỗ trợ xây dựng cơ bản hoàn thành 4 cầu nông thôn, xây dựng mới hơn 2.000m lộ bê-tông, với tổng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã. Tính đến nay, toàn xã có 5/5 ấp duy trì bảo quản, nâng cấp phát triển hệ thống giao thông nông thôn; trong đó, có 100% tuyến đường liên xã, liền ấp được bê-tông hóa đạt chuẩn theo quy định kỹ thuật của ngành chức năng.

Ông Lý Minh Vững, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình: Quá trình thực hiện bê-tông hóa cầu, lộ giao thông nông thôn, các xã rất tích cực hưởng ứng, nhiều nơi khó khăn tưởng chừng không thể làm được nhưng bà con đã quyết tâm làm được. Từ đó, các ấp, các xã trong huyện cũng đã mạnh dạn đăng ký vận động mở rộng cầu, lộ giao thông nông thôn. Rất mong các đơn vị trong toàn huyện tiếp tục phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa để đảm bảo cho việc đi lại của bà con nhân dân các ấp xa trung tâm huyện được tốt hơn.

Với những kết quả đạt được trong quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, xã Trí Lực là một trong những điểm sáng trong phong trào duy trì, nâng cấp các tiêu chí xây dựng NTM của huyện. Phấn đấu trước năm 2020, Trí Lực được công nhận đạt chuẩn NTM loại 2.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *